Chưa mở một cửa hàng nào sau 10 năm hoạt động, doanh thu Apple tại Việt Nam ra sao?

21:14 | 15/04/2024
Với hệ thống phân phối chính hãng khổng lồ, dù chưa có cửa hàng vật lý chính thức tại Việt Nam song Apple vẫn luôn lọt top thương hiệu công nghệ được mua nhiều nhất qua các năm.

Apple tăng trưởng kỷ lục tại Việt Nam

Dù chưa có Apple Store chính thức tại Việt Nam song các sản phẩm của Apple vẫn được bán chính hãng thông qua hệ thống đại lý uỷ quyền. Khái niệm “Tier 1” dùng để chỉ những nhà phân phối, bán lẻ hàng đầu tại thị trường của Apple ở mỗi quốc gia.

Cho tới hiện tại, Việt Nam đang có 4 nhà phân phối gồm Synnex FPT, Viettel Xuất Nhập Khẩu, Digiworld và Petrosetco, một nhà mạng Viettel và hai chuỗi bán lẻ lớn. Ngày 15/4, có thêm CellphoneS trở thành nhà bán lẻ Tier 1 thứ ba của Apple tại Việt Nam.

Người Việt Nam xếp hàng trong đêm để mua iPhone. (Ảnh: Đức Huy).

Với hệ thống phân phối lớn, thị phần của Apple liên tục nằm trong top 3 thương hiệu smartphone bán chạy nhất Việt Nam. Người Việt sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ đồng để mua iPhone sau mỗi mùa ra mắt sản phẩm mới.

Chẳng hạn trong ngày đầu mở bán iPhone 15 năm 2023, chỉ tính riêng hệ thống bán lẻ của Đầu tư Thế Giới Di Động đã bán 15.000 máy và doanh thu 500 tỷ đồng, chiếm gần 50% thị phần. Các hệ thống FPT Shop, CellPhoneS, ShopDunk và Hoàng Hà Mobile đưa ra doanh số từ 2.000 đến 7.000 máy.

Trước đó năm 2022, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết kim ngạch nhập khẩu điện thoại iPhone năm đó của Việt Nam hơn 1,6 tỷ USD, tức khoảng 37.800 tỷ đồng.

Gần nhất, Việt Nam là thị trường mang về doanh thu kỷ lục cho Apple trong quý cuối năm ngoái. Quý IV/2023 tính theo năm tài chính (từ tháng 7 đến hết tháng 9), Apple ghi nhận doanh thu 89,5 tỷ USD. Trong đó, theo CEO Tim Cook, Ấn Độ, Brazil, Canada, Pháp, Indonesia, Mexico, Philippines, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Việt Nam là những thị trường đạt kỷ lục doanh thu quý.

Trước đó, ngày 18/5/2023, Apple đã mở cửa hàng online tại thị trường Việt Nam, điều này đồng nghĩa khách hàng Việt Nam có thể mua trực tiếp các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, MacBook, Apple Watch… mà không phải thông qua các nhà bán lẻ.

Có thể thấy, việc mở cửa hàng trực tuyến đã giúp Apple đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng mà không cần thông qua trung gian, điều này đã góp phần giúp doanh số của Apple tại Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục trong quý IV.

Trong một cuộc họp thường niên năm ngoái, CEO Apple Tim Cook nói: “Việt Nam là thị trường mới nổi và là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên toàn cầu của Apple”.

Đây có thể là tiền đề để Apple nâng cấp thị trường Việt Nam từ cấp 3 lên cấp 1. Bà Deirdre O’Brien, Phó chủ tịch Cấp cao mảng Bán lẻ của Apple bày tỏ, “vinh dự khi có cơ hội mở rộng tại Việt Nam. Chúng tôi tự hào về việc mở rộng ở Việt Nam”.

Hiện có 27 cơ sở sản xuất cho Apple đang hoạt động tại Việt Nam - đưa thị trường này trở thành một trong 7 quốc gia có số lượng nhà máy sản xuất cho Apple nhiều nhất thế giới. Từ tháng 5 năm ngoái, Apple yêu cầu Foxconn - nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất của hãng, bắt đầu sản xuất một số Macbook tại Việt Nam. Đến nay, Apple cùng đối tác đã dịch chuyển 11 nhà máy sản xuất từ nước ngoài về Việt Nam.

“Quyền lực” của Apple

Dù chưa có cửa hàng chính thức tại Việt Nam song tác động chi phối thị trường bán lẻ iPhone của Apple có thể nhận thấy rõ. Bằng chứng là việc điều chỉnh mức giá iPhone 15 năm ngoái trên thị trường đã sát với giá niêm yết mà Táo khuyết đưa ra. Nhịp điều chỉnh này có bàn tay của Apple phía sau.

Những năm trước, các đại lý chính hãng thường có cơ hội đẩy giá iPhone lên cao hơn vào thời điểm mở bán để có được biên lợi nhuận tốt hơn. Chính vì vậy, họ cũng có thể giảm giá sâu hơn vào những khoảng thời gian sau đó, thường cách lúc mở bán 7-8 tháng để tăng doanh số.

Tuy nhiên, iPhone 15 lại là một câu chuyện khác khi lần đầu tiên Apple áp dụng mức giá trần cho các sản phẩm iPhone 15 tại thị trường Việt Nam. Điều này tác động không nhỏ đến chiến lược giá bán của các đại lý uỷ quyền.

Quan sát có thể thấy giá Apple niêm yết cho iPhone 14 series và iPhone 15 series không đổi, tuy nhiên giá mở bán ban đầu giữa hai thế hệ điện thoại này tại các đại lý lại có sự chênh lệch đáng kể. 

Với mẫu iPhone 15 có giá niêm yết ở Việt Nam 22,99 triệu đồng - mức giá này tương tự ở hệ thống Thế Giới Di Động và FPT Shop. Tuy nhiên, năm 2022 mẫu iPhone 14 được Apple bán giá 22,49 triệu đồng nhưng ở hai hệ thống trên, giá mở bán lần lượt là 24,49 triệu đồng và 23,99 triệu đồng (tương ứng với mức chênh 1,5 - 2 triệu đồng/máy). Trong đó, mức chênh lớn nhất là 3 triệu đồng/máy giữa giá từ hệ thống bán lẻ và giá Apple niêm yết.

Như vậy, có thể thấy mặt bằng giá iPhone 15 tại các hệ thống “phẳng” hơn mọi năm.

 

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi vào thời điểm đó, các đại lý uỷ quyền vẫn cho rằng Apple Store Online không tác động nhiều đến chính sách bán hàng của họ. Đơn cử, ông Nguyễn Thế Kha – Giám đốc khối Viễn thông di động tại FPT Shop cho rằng trong giai đoạn cạnh tranh quyết liệt của thị trường với nhóm sản phẩm Apple, cửa hàng trực tuyến sẽ khó hấp dẫn khách hàng Việt về các yếu tố như giá, chính sách giao hàng chỉ có online, không có trải nghiệm/nhận hàng điểm offline,..

Tương tự, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS nhận định với giá bán đã được Apple Store Online công bố, các chuỗi bán lẻ hiện tại vẫn có khả năng cạnh tranh tốt. Tuy nhiên ông Huy thừa nhận tới mùa ra mắt sản phẩm mới, việc định giá bán lẻ này cũng đặt ra một mức giá trần cho thị trường Apple chính hãng Việt Nam đối với các nhà phân phối và bán lẻ trong nước.

 

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/chua-mo-mot-cua-hang-nao-sau-10-nam-hoat-dong-doanh-thu-apple-tai-viet-nam-ra-sao-42202441521125391.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục