Hai tỉnh lân cận có nhiều điểm tương đồng nhưng tăng trưởng GRDP trái ngược

20:00 | 09/02/2024
Năm 2023, tăng trưởng GRDP của Bắc Ninh giảm mạnh nhất sau nhiều năm và cũng thấp nhất cả nước. Trong khi đó, Bắc Giang dẫn đầu với mức tăng 13,45%.

Một điểm thú vị trong bảng xếp hạng tăng trưởng GRDP năm 2023, trong khi Bắc Giang dẫn đầu cả nước, Bắc Ninh - tỉnh có nhiều điểm tương đồng ở cách đó 30 km lại có tốc độ tăng trưởng thấp nhất (-9,28%) trong 63 tỉnh, thành.     

 

Bắc Ninh, Bắc Giang được biết đến là cứ điểm sản xuất công nghiệp của các ông lớn nước ngoài như Samsung, Foxconn, Luxshare. Tuy nhiên, thời gian qua, diễn biến sản xuất công nghiệp tại hai địa phương này có xu hướng trái chiều.

Tại Bắc Ninh, cơ quan thống kê của tỉnh cho biết, khu vực công nghiệp của tỉnh đang trong tình trạng giảm mạnh, đặc biệt ở một số ngành công nghiệp trọng điểm lớn.

Theo Cục Thống kê Bắc Ninh, ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm khá nhiều (- 11,02%). Chi số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh cũng giảm mạnh (-11,34%). Đây là mức giảm sâu thứ hai trong vòng 5 năm trở lại đây. 

Do kinh tế nói chung chưa phục hồi, các đơn đặt hàng không nhiều, sản lượng sản phẩm công nghiệp của Bắc Ninh cũng giảm mạnh. Cụ thể, có tới 13/23 sản phẩm chủ yếu bị giảm so với cùng kỳ. Trong đó 100% các sản phẩm trọng điểm của tỉnh bị giảm; giảm nhiều nhất là sản phẩm máy in (-39,9%); tiếp đến là sản phẩm Pin điện thoại các loại (-23,6%). 

Trong khi đó ở Bắc Giang, năm 2023, ngành công nghiệp - xây dựng là động lực chính, tăng 17,25% (trong đó riêng công nghiệp tăng 18,56%); nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,63%; dịch vụ tăng 6,56%; thuế sản phẩm tăng 7,14%.

Trái ngược, tại Bắc Ninh, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất thì giảm 13,24%; nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 2,31%; riêng khu vực dịch vụ duy trì tăng trưởng dương nhưng không cao (3,63%).     

 

Về bảng xếp hạng tăng trưởng GRDP năm 2023, thống kê số liệu từ cơ quan thống kê các tỉnh, thành cho thấy có 7 địa phương tăng trưởng GRDP đạt trên 10%.

Hậu Giang xếp thứ hai sau Bắc Giang, đứng thứ ba là Quảng Ninh. Trong nhóm này, đáng chú ý nhất là Nam Định do đây là lần đầu tiên GRDP của tỉnh đạt mức tăng trưởng hai con số (10,19%), là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay và cao hơn nhiều so với trung bình cả nước.  

Năm 2023 cũng là năm đặc biệt với Quảng Ninh, đánh dấu 9 năm liên tiếp tăng trưởng GRDP hai con số. Quảng Ninh năm qua cũng dẫn đầu vùng đồng bằng sông Hồng về tăng trưởng GRDP.

Hà Nội - địa phương đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố xét về quy mô kinh tế, chiếm khoảng 12% tổng GDP cả nước, năm qua chỉ ghi nhận tăng trưởng GRDP đạt 6,27%.  

TP HCM - địa phương đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước tăng trưởng GRDP đạt 5,81%, thấp hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là từ 7,5 đến 8%.        

Trong nhóm tăng trưởng thấp có Đà Nẵng - thành phố trực thuộc Trung ương, với mức tăng chỉ đạt 2,58%. 

Tại hội thảo mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia đề cập đến đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy vai trò của các đầu tàu kinh tế - xã hội. Ông nêu vấn đề ba đầu tàu kinh tế tăng trưởng khiêm tốn năm 2023. Đà Nẵng tăng trưởng GRDP chỉ 2,58%, gần thấp nhất cả nước; TP HCM chỉ tăng rất thấp 5,81%, Hà Nội tăng trên 6% là mức chưa cao. 

"Năm 2023 do tăng trưởng GRDP thấp nên Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng đóng góp 32% GDP cả nước trong khi thông thường ba đầu tàu này đóng góp 36-37% GDP. Những địa phương này phải tăng trưởng gấp 1,3 -1,5 lần bình quân cả nước, nếu chưa đạt cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề", ông nói thêm.        

 

Về mục tiêu tăng trưởng năm 2024, có 8 địa phương đặt mục tiêu trên 10%.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của 63 tỉnh, thành phố, Bắc Giang đang là tỉnh có mục tiêu tăng trưởng GRDP năm tới cao nhất (14,5%). Trong khi đó, Bắc Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP gần như thấp nhất cả nước, ở mức ở mức 5 - 6%, chỉ cao hơn mục tiêu của tỉnh Quảng Ngãi (3%). 

Trong nhóm đặt mục tiêu từ 10-12%, một số địa phương có thể mạnh về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu như TP Hải Phòng phấn đấu tăng 11,5-12%; Thanh Hóa mục tiêu tăng 11%.   

TP HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, đặt mục tiêu từ 7,5-8%, tương đương với mục tiêu của nhiều địa phương như Bình Định, Cần Thơ, Hưng Yên, Quảng Nam. Tương tự, mức tăng trưởng mục tiêu trong năm 2024 của Hà Nội cũng khá khiêm tốn 6,5-7%.     

 

 

 

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/hai-tinh-lan-can-co-nhieu-diem-tuong-dong-nhung-tang-truong-grdp-trai-nguoc-42202427231929584.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục