Một chỉ số vĩ mô không tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp, báo hiệu người dân có thể đang thắt chặt chi tiêu

17:51 | 07/11/2023
Doanh số bán lẻ hàng hoá khác (hàng chăm sóc cơ thể, đồ trang sức, đồng hồ đeo tay, dịch vụ cắt tóc, gội đầu,...) được xem là một chỉ báo việc người dân đang nới lỏng hay thắt chặt chi tiêu.

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết mức tăng trưởng của doanh thu lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đang giảm dần qua các tháng.

Cụ thể, doanh thu lĩnh vực này trong tháng 10 chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng bình quân 7,3% trong quý III/2023.

Mức tăng chậm lại đến từ sự suy giảm trong tốc độ tăng của bán lẻ hàng hoá khi bóc tách chi tiết là do tăng trưởng chậm lại của doanh số thực phẩm, dệt may và phương tiện đi lại, đối trọng với sự cải thiện của doanh số bán hàng gia dụng, vật phẩm văn hoá, giáo dục.

Đồng thời, VDSC quan sát thấy doanh số bán lẻ hàng hoá khác (hàng chăm sóc cơ thể, đồ trang sức, đồng hồ đeo tay, dịch vụ cắt tóc, gội đầu,...) được xem là một chỉ báo việc người dân đang nới lỏng hay tiết kiệm chi tiêu, doanh số bán lẻ lĩnh vực khác đã không tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp.

Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ sau khi loại trừ yếu tố giá, thấp hơn mức tăng 7,3% của 9 tháng 2023. 

 

 

Nhận định về các lĩnh vực khác, VDSC cho biết tăng trưởng lĩnh vực sản xuất trong tháng 10/2023 không thực sự khởi sắc khi tham chiếu với mức tăng thấp của cùng kỳ.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ, cần lưu ý rằng tháng 10/2022 chỉ số này chỉ tăng 5,5% và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 10,3% của tháng 9/2022 do nhu cầu thế giới giảm sâu trong quý cuối năm ngoái.

Mặc dù thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2023 tăng 5,5% so với tháng trước nhưng số liệu tháng 9 lại được điều chỉnh giảm mạnh từ số liệu sơ bộ là 5,1% xuống chỉ còn 2,9%. Tính chung 10 tháng đầu năm, chỉsố sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 0,5% so với cùng kỳ, nhích tăng nhẹ so với mức tăng 0,3% của 9 tháng 2023.

Diễn biến này cũng tương đồng với kết quả khảo sát PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 10 khi sản lượng giảm tháng thứ hai liên tiếp. Đặc biệt, thống kê cho thấy nhu cầu đơn hàng mới phục hồi với tốc độ chậm.  

 

 

Ngoài ra, hiệu ứng mức nền thấp thể hiện rõ hơn trong kết quả của hoạt động thương mại khi tăng trưởng tiếp tục cải thiện ở hai chiều xuất và nhập khẩu.    

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu trong tháng 10 đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ và tăng 5,3% so với tháng trước nhờ sự phục hồi tiếp tục của xuất khẩu hàng điện tử (tăng 8,3% so với cùng kỳ) trong khi các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực khác như dệt may, thuỷ sản, giày dép vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm.

Nhập khẩu trong tháng 10 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ và 2,9% so với tháng trước, đáng chú ý là nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tăng 26,4% so với cùng kỳ cho thấy triển vọng tích cực hơn về tăng trưởng xuất khẩu trong hai tháng còn lại của năm 2023.     

 

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/mot-chi-so-vi-mo-khong-tang-truong-thang-thu-2-lien-tiep-bao-hieu-nguoi-dan-co-the-dang-that-chat-chi-tieu-42202311716468986.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục