Dow Jones rớt phiên thứ 5 liên tiếp xuống thị trường gấu, chuyên gia dự báo chứng khoán Mỹ sắp chạm đáy

07:25 | 27/09/2022
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 26/9 tiếp tục lao dốc với S&P 500 ghi nhận đáy mới của năm 2022 và Dow Jones rơi vào vùng thị trường gấu. Các chỉ số đi xuống trong bối cảnh lợi suất lên cao và thị trường ngoại tệ biến động dữ dội.

Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục xuống dốc từ giữa tháng 8 đến nay.

Phiên đầu tuần 26/9, S&P 500 giảm 1,03% xuống còn 3.655 điểm, thấp hơn mức đáy 3.666,77 điểm kết phiên 16/6. Đã có lúc trong phiên chỉ số gồm 500 cổ phiếu đại diện thị trường này rơi xuống dưới 3.645 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm ít nhất khi chỉ mất 0,6% và đóng cửa ở gần 10.803 điểm.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 330 điểm, tương đương 1,11%, và dừng chân ở gần 29.261 điểm. Đà bán tăng tốc trong những phút cuối của phiên giao dịch. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của Dow Jones.

So với đỉnh lịch sử ngày 4/1, chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này hiện đang thấp hơn 20,4%, tức là đã rơi vào vùng thị trường gấu (giảm trên 20% so với đỉnh).

Dow Jones mất 1.759 điểm trong 5 phiên gần đây.

Giá trị của đồng bảng Anh (GBP) rơi xuống mức thấp nhất lịch sử so với USD. Có lúc GBP giảm 4% xuống dưới 1,04 USD. Sau đó, bảng Anh đã hồi phục một phần khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tuyên bố sẽ không ngần ngại nâng lãi suất để chống lạm phát.

Khi một quốc gia tăng lãi suất, đồng tiền của quốc gia đó sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nhiều nhà đầu tư mua vào để hưởng lợi nhuận cao hơn làm cho giá trị đồng tiền đi lên.

Theo CNBC, chiến dịch nâng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng với kế hoạch cắt giảm thuế của Anh được thông báo vào tuần trước đã khiến cho đồng USD tăng vọt. Tỷ giá euro/USD xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022.

USD mạnh lên có thể gây tổn hại cho lợi nhuận của các doanh nghiệp đa quốc gia Mỹ, đồng thời tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu do đa phần giao dịch được thực hiện bằng đồng bạc xanh.

Ông Michael Wilson, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ của Morgan Stanley, nhận định: “Trong lịch sử, đồng USD quá mạnh như thế này thường dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc kinh tế. Bây giờ chính là lúc cần phải dè chừng tai họa sắp xảy ra”.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt lên trên mốc 3,9%, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2010. Tương tự, lợi suất kỳ hạn 2 năm vọt lên trên 4,3%, đánh dấu kỷ lục kể từ năm 2007.

Lợi suất kỳ hạn ngắn (2 năm) lớn hơn kỳ hạn dài (10 năm) cho thấy đường cong lợi suất đang đảo ngược và nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. 

Mặt bằng lợi suất lên cao thường kéo theo giá cổ phiếu sa sút vì dòng tiền trong tương lai bị chiết khấu mạnh hơn. Gần như tất cả nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đóng cửa phiên 26/9 trong sắc đỏ, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Cổ phiếu bất động sản, năng lượng và tiện ích công cộng là những nhóm sa sút mạnh nhất.

10/11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi xuống trong ngày 26/9/2022.

Giá dầu thô lao dốc đã kéo theo diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu năng lượng. Cụ thể, giá dầu WTI tại Mỹ mất 2,58% xuống 76,71 USD/thùng. Giá dầu Brent chuẩn quốc tế giảm 2,43% còn 86 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay, khi xung đột Ukraine chưa nổ ra.

Giá dầu thô Brent lên đỉnh sau khi Nga tấn công Ukraine, nay đã quay về mức trước xung đột.

Ông Marko Kolanovic, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô định lượng và chiến lược phái sinh tại JPMorgan, cho rằng đáy của thị trường chứng khoán Mỹ có thể đang ở rất gần do đà bán tháo liên quan tới đợt tăng lãi suất của Fed gần đây đã đẩy nhiều cổ phiếu vào tình trạng “quá bán nghiêm trọng”.

“Một vài điều kiện tiên quyết để thị trường tạo đáy đã bắt đầu xuất hiện: Các cổ phiếu đang ngày càng có vẻ rẻ và tiến gần đến mức giá trị sâu ở ngoài nước Mỹ, vị thế của nhà đầu tư cũng cho thấy sự tuyệt vọng tột cùng”, ông Kolanovic nói.

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục