Thế giới đâm lo khi Trung Quốc dư thừa xe điện, pin mặt trời và thép nhưng không dễ tìm ra giải pháp

08:40 | 09/05/2024
Ngày càng nhiều quốc gia lên tiếng về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng thực hiện các biện pháp khắc phục vốn có thể gây hại cho nền kinh tế đang dễ bị tổn thương của họ.

 

Một dây chuyền lắp ráp ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Thừa mứa công suất ở cả hai nhóm hàng

Tuần này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) là những cái tên mới nhất chỉ trích Trung Quốc vì vấn đề dư thừa công suất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trước đó, EU đã đe doạ sẽ áp thuế quan đối với xe điện Trung Quốc.

Trước khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết bà hy vọng chính quyền Bắc Kinh sẽ có hành động “trong ngắn hạn”.

Theo Bloomberg, Chủ tịch EC có thể sẽ thất vọng. Hôm 8/5, Trung Quốc đã công bố các đề xuất nhằm giảm tốc độ mở rộng của ngành công nghiệp pin, nhưng các quy định dự kiến không có tính ràng buộc.

Hồi tuần trước, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố gồm 4 phần để bác bỏ các cáo buộc nói nước này đang dư thừa công suất sản xuất các sản phẩm năng lượng sạch.

Họ khẳng định doanh nghiệp Trung Quốc có năng lực cạnh tranh nhờ đổi mới công nghệ chứ không phải nhờ trợ cấp. Đây là thông điệp chung mà Bắc Kinh dùng để nhắc đến các ngành công nghệ cao như xe điện và tấm pin mặt trời.

Các lĩnh vực đó lại đóng vai trò quan trọng với kế hoạch phục hồi kinh tế của ông Tập, đó là lý do tại sao Bắc Kinh không thể ngừng hỗ trợ doanh nghiệp, dù các đối tác thúc giục ra sao.

Các ngành công nghệ cao đó cũng có tầm quan trọng chiến lược đối với các quốc gia khác. Vì lẽ này, các rào cản thương mại đang ngày càng gia tăng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris, ngày 6/5. (Ảnh: Bloomberg).

Các đối tác thương mại của Trung Quốc - bao gồm những quốc gia thân thiện như Brazil - cũng đang bày tỏ sự phản đối với tất cả các sản phẩm giá trị thấp hơn như thép, hoá dầu, máy xúc,...

Ở nhiều mặt hàng, các đối tác đang ghi nhận thặng dư thương mại với Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng bất động sản đã đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, buộc doanh nghiệp phải xuất khẩu những hàng hoá đó ra nước ngoài.

Bắc Kinh vẫn chưa tìm ra cách ngăn chặn tác động không mong muốn của khủng hoảng địa ốc tới nền kinh tế, ngoại trừ việc tập trung vào các ngành công nghệ cao để bù đắp thiệt hại.

Vì vậy, tình trạng dư thừa công suất ở các sản phẩm công nghệ cao lẫn giá trị thấp được dự đoán sẽ tiếp tục.

Trao đổi với Bloomberg, ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, cho hay: “Không có giải pháp nhanh chóng và đơn lẻ nào cho vấn nạn dư thừa công suất của Trung Quốc”.

Ông nói, trong lĩnh vực năng lượng sạch, nguyên nhân cốt lõi là do “đầu tue quá mạnh mẽ”, trong khi ở các ngành truyền thống thì vấn đề là do nhu cầu yếu, “đặc biệt là khi hoạt động xây dựng nhà ở chững lại”.

Giải bài toán khó

Theo vị chuyên gia kinh tế, Trung Quóc cần một “chiến lược theo hai hướng” để cân bằng cung và cầu, bao gồm ổn định thị trường nhà ở và kích thích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Song, đó là một bài toán khó - ngay cả một số người từng chỉ trích Trung Quốc nặng nề nhất cũng thừa nhận, theo Bloomberg.

Chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen chủ yếu tập trung vào vấn đề này. Bà Yellen liên tục chất vấn Bắc Kinh vì đã điều hướng quỹ nhà nước vào các ngành công nghiệp quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp thua lỗ và ồ ạt xuất khẩu hàng ra thị trường thế giới, đe doạ các công ty địa phương.

Quan điểm của Mỹ là Trung Quốc nên dựa nhiều hơn vào nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, giảm sự phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới. Bà Yellen thừa nhận thách thức cho Trung Quốc là rất lớn.

Chia sẻ với các phóng viên ở Quảng Châu, vị bộ trưởng nói: “Đây là một vấn đề phức tạp liên quan đến toàn bộ chiến lược công nghiệp và kinh tế vĩ mô. Bắc Kinh không thể giải bài toán trong một sớm một chiều”.

Sau cuộc khủng hoảng nhà đất, các hộ gia đình Trung Quốc và chính quyền nhiều địa phương hiện đang thắt lưng buộc bụng. Họ có vẻ không sẵn sàng gánh thêm trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh nhu cầu trong nước vẫn yếu, tỷ lệ sử dụng công suất công nghiệp (industrial capacity utilization rate) vào quý trước đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện vào năm 2020. Các nhà máy đang chuyển sang các thị trường nước ngoài, xuất khẩu tăng vọt và giá cả giảm sâu.

Ngành công nghiệp pin mặt trời là một ví dụ điển hiện của tình trạng dư thừa công suất, sau khi doanh nghiệp mở rộng quy mô quá nhanh và dẫn đến một cuộc chiến về giá, khiến lợi nhuận sụt giảm.

 

Sản xuất ở nước khác

Trong ngành ô tô, vấn đề phức tạp hơn. Mức sử dụng công suất đã tụt mạnh trong quý đầu năm, nhưng các nhà xuất khẩu xe điện lớn như BYD và Tesla vẫn đang hoạt động ở cường độ cao so với toàn ngành, theo ước tính từ JSC Automotive.

Điều đó cho thấy đang có ngày càng nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động. Đây vốn là những cơ sở từng sản xuất xe chạy xe và bị tụt lại phía sau khi Trung Quốc nhanh chóng chuyển đổi sang xe điện.

Một hướng để giảm bớt tình trạng căng thẳng trong lĩnh vực xe điện là các công ty Trung Quốc có thể bắt đầu sản xuất ở những nước khác.

Căng thẳng kinh tế giữa Nhật Bản và Mỹ vào những năm 1980 đã dịu bớt sau khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đầu tư vào nhà máy tại Mỹ. Doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu học hỏi cách làm đó ở châu Âu, Nam Mỹ và châu Á.

Trong chuyến thăm châu Âu lần này, Chủ tịch Tập sẽ dừng chân tại Hungary, nơi BYD có kế hoạch xây dựng một nhà máy và Pháp, nơi Bộ trưởng Bộ Tài chính Bruno Le Maire cho biết đất nước của ông cũng chào đón một nhà máy tương tự.

Tuy nhiên, đó là một chiến lược dài hạn. BYD cho biết họ sẽ mất ba năm để bắt đầu sản xuất tại Hungary. Và hãng này có thể sẽ không lắp ráp tại Mỹ, bởi người Mỹ đang ngày càng phản đối các khoản đầu tư của Trung Quốc.

 

Còn các ngành giá trị thấp thì sao?

Trong các ngành công nghiệp giá trị thấp, Trung Quốc từng có một bài học lớn từ gần một thập kỷ trước, khi nước này cố gắng giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung thép và nhôm. Bắc Kinh đã buộc các doanh nghiệp phải hợp lý hoá sản xuất và đóng cửa các cơ sở kém hiệu quả.

Ông Jay Shambaugh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, cho hay vào tháng trước: “Tỷ lệ các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ ở Trung Quốc đang ở mức cao trong hàng thập kỷ”.

Song, việc đóng cửa một số doanh nghiệp và cắt giảm việc làm trong một nền kinh tế vẫn còn yếu là một cách làm rủi ro cao. Hơn nữa, chính sách của Trung Quốc trong những năm 2010 không khiến sản lượng thép và nhôm giảm đáng kể.

Và gần đây, vấn đề dư cung thép lại tái diện. Xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm. 

 

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/the-gioi-dam-lo-khi-trung-quoc-du-thua-xe-dien-pin-mat-troi-va-thep-nhung-khong-de-tim-ra-giai-phap-4220245982255493.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục