Tỷ phú Paul Tudor Jones dự báo chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục rơi

17:54 | 11/10/2022
Tỷ phú quỹ đầu cơ Paul Tudor Jones tin rằng nền kinh tế Mỹ đang cận kề suy thoái hay thậm chí là đã rơi vào suy thoái từ vài tháng trước do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất quá mạnh nhằm ghìm cương lạm phát. Ông dự báo thị trường chứng khoán sẽ phải giảm thêm rồi mới thấy đáy.

Các chỉ sốc hứng khoán Mỹ lao dốc trong hơn 9 tháng qua.

Khi được hỏi về rủi ro suy thoái kinh tế trên kênh CNBC ngày 10/10, tỷ phú Paul Tudor Jones nói: “Tôi không biết suy thoái bắt đầu ngay lúc này hay đã bắt đầu từ hai tháng trước. Rồi chúng ta sẽ biết chính xác khi nào suy thoái xảy ra và chúng ta luôn ngạc nhiên về thời điểm suy thoái chính thức bắt đầu, nhưng tôi tin là chúng ta sẽ rơi vào suy thoái”.

Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) là đơn vị có quyền chính thức tuyên bố khi nào suy thoái kinh tế bắt đầu và kết thúc. NBER phân tích nhiều biến số khác nhau trong quá trình ra quyết định và định nghĩa suy thoái là “một sự suy giảm đáng kể của hoạt động kinh tế trên quy mô rộng khắp và kéo dài nhiều hơn một vài tháng”.

Nhiều nhà phân tích và chuyên gia kinh tế coi việc GDP giảm hai quý liên tiếp là định nghĩa của suy thoái kinh tế. GDP của Mỹ giảm trong cả hai quý đầu năm 2022 nhưng đến nay các chuyên gia của NBER vẫn yên lặng. Thị trường lao động của Mỹ vẫn tương đối vững mạnh, tạo ra thêm hàng trăm nghìn việc làm mỗi tháng. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện ở mức thấp nhất kể từ 1969.

Số liệu GDP quý III dự kiến được công bố vào ngày 27/10. Mô hình GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,9% trong quý vừa qua.

GDP quý III của Mỹ được dự báo tăng trưởng 2,9% sau hai quý giảm liên tiếp.

Tỷ phú Paul Tudor Jones cho biết nhà đầu tư cần chú ý làm theo “cẩm nang hướng dẫn” trong thời kỳ suy thoái và lịch sử cho thấy các tài sản rủi ro như cổ phiếu vẫn có thể giảm thêm trước khi chạm đáy.

“Đa phần các cuộc suy thoái kéo dài khoảng 300 ngày. Thị trường chứng khoán giảm khoảng 10%. Dấu hiệu đầu tiên để biết thị trường đã tạo đáy là lãi suất kỳ hạn ngắn ngừng tăng và bắt đầu giảm”, vị tỷ phú 68 tuổi này nói.

Ông cũng cho rằng Fed sẽ rất khó có thể đưa lạm phát quay lại ngưỡng mục tiêu 2%, một phần là vì tiền lương tăng cao.

“Lạm phát cũng giống như kem đánh răng vậy, một khi đã ra khỏi tuýp rồi thì rất khó để nhét vào lại”, Paul Tudor Jones nói. “Fed đang nỗ lực điên cuồng để loại bỏ lạm phát cao kỷ lục … Nếu chúng ta rơi vào suy thoái thì tác động tiêu cực tới nhiều loại tài sản là rất lớn”.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 tăng trong 14 tuần và giảm trong 26 tuần.

Để chống lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ đang phải thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh nhất kể từ thập niên 1980. Từ tháng 3 đến nay, Fed đã nâng lãi suất trong 5 cuộc họp liên tiếp, bao gồm ba lần tăng 75 điểm cơ bản (bps) liền nhau. Các quan chức Fed cũng nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới.

Tỷ phú Paul Tudor Jones cho rằng Fed nên kiên trì chính sách nâng lãi suất để tránh những nỗi đau dài hạn với nền kinh tế.

“Nếu Fed không kiên định và Mỹ phải chịu lạm phát cao dai dẳng, tôi nghĩ vấn đề trong tương lai sẽ càng nghiêm trọng. Nếu chúng ta muốn có sự thịnh vượng lâu dài, chúng ta phải có đồng tiền ổn định và một phương thức tin cậy để định giá đồng tiền đó. Nói cách khác, chúng ta phải đưa lạm phát về mức 2% hoặc thấp hơn trong dài hạn để có được một xã hội cân bằng. Chúng ta phải chịu đau đớn trước mắt để đổi lấy sung sướng về sau".

Tỷ phú Paul Tudor Jones cho rằng một khi lạm phát đã lên cao thì rất khó để hạ xuống. (Ảnh: CNBC; Đồ họa: Song Ngọc).

Tỷ phú Paul Tudor Jones trở nên nổi tiếng sau khi ông dự đoán chính xác và kiếm lợi khủng từ cú sụp đổ chớp nhoáng của thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 1987. Hiện nay ông còn là Chủ tịch của công ty phi lợi nhuận Just Capital, đơn vị chuyên xếp hạng các doanh nghiệp Mỹ dựa vào các thước đo xã hội và môi trường.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/ty-phu-paul-tudor-jones-du-bao-chung-khoan-my-se-tiep-tuc-roi-422022101117412819.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục