Hàng không Việt Nam 2022: Bay nội địa phục hồi ấn tượng, thị trường quốc tế còn đang chạy đà

21:35 | 28/12/2022
Năm 2022 khi dịch bệnh dần được kiểm soát, thị trường hàng không Việt Nam đã trên đà phục hồi kể từ tháng 3 nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Mạng bay nội địa đã nhộn nhịp trở lại trong khi thị trường quốc tế vẫn khá ảm đạm.

Lần đầu tiên kể từ khi COVID-19 bùng phát, Vietnam Airlines có lãi gộp 165 tỷ đồng. Hoạt động có cải thiện nhưng Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế hơn 2.500 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 11 liên tiếp.

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) chưa năm nào lỗ sau thuế, nhưng kết quả này đạt được là nhờ khoản doanh thu tài chính và các thu nhập khác.

Ví dụ năm 2021, Vietjet lỗ gộp hơn 2.000 tỷ đồng trong hoạt động vận tải hàng không nhưng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính hơn 4.000 tỷ, giúp tổng kết có lãi sau thuế gần 80 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính hợp nhất của Vietjet giảm mạnh vì thiếu đi khoản thu từ bán công ty con và thanh lý khoản đầu tư.

Trong 9 tháng đầu năm nay, dòng tiền kinh doanh của Vietjet âm gần 3.600 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản phải thu tăng mạnh. Riêng giá trị phải thu ngắn hạn khách hàng là gần 17.500 tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản phải thu là gần 53.900 tỷ, chiếm 80% tổng tài sản.

Bamboo Airways cũng đã báo lỗ sau thời gian đầu có lãi nhờ hoạt động tài chính. Trong năm bay thương mại đầu tiên 2019, Bamboo lỗ gộp hơn 1.100 tỷ đồng trong khi doanh thu hoạt động tài chính lên tới trên 1.800 tỷ đồng, giúp cho Bamboo có lãi trước thuế 303 tỷ đồng.

Năm 2020 khi COVID khởi phát, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính lên tới trên 4.600 tỷ đồng, lớn hơn cả doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và dư sức bù đắp khoản lỗ gộp 3.604 tỷ đồng.

Kết quả là Bamboo Airways tiếp tục báo lãi trước thuế 398 tỷ đồng. Sang năm 2021, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm còn dưới 2.600 tỷ đồng trong khi lỗ gộp vượt 4.000 tỷ, Bamboo Airways báo lỗ ròng gần 2.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong quý IV/2022 giá nhiên liệu giảm, nhu cầu vận tải hàng không gia tăng mùa Giáng sinh và Tết dương lịch, giá vé cũng tăng dần cho đến cao điểm Tết Nguyên đán, các hãng hàng không Việt Nam sẽ có lãi.

Những khó khăn của ngành hàng không trong năm 2022 

Lạm phát gia tăng, cuộc chiến Nga – Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao, dịch bệnh tăng trở lại đầu năm ở một số nước, Trung Quốc chưa mở cửa… đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không đang phục hồi vào năm 2022.

Trong ba năm qua, ngành hàng không đã trải qua những hỗn loạn bất ngờ. Nhu cầu giao thông hàng không tăng mạnh trở lại trong năm 2022, dẫn đến khả năng phục hồi về mức trước đại dịch COVID.

Tuy nhiên cuộc chiến Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó mà châu Âu và Mỹ áp đặt lên nước Nga đã mang đến vô số thách thức cho ngành hàng không, ngay khi ngành này đang phục hồi sau hai năm tê liệt vì COVID-19.

Theo GlobalData, đại dịch đã tác động tiêu cực đến doanh thu toàn cầu của các hãng hàng không đầy đủ dịch vụ (full-service carrier) cũng như hàng không giá rẻ (low-cost carrier).

Dữ liệu cho thấy ngành hàng không có mức tăng trưởng ổn định trong những năm trước đại dịch, nhưng doanh thu toàn cầu từ các hãng hàng không đầy đủ dịch vụ và hàng không giá rẻ đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh vào năm 2020, trước khi có dấu hiệu phục hồi vào năm 2021, vốn vẫn thấp hơn so với năm 2019 khi chưa có đại dịch.

Các nỗ lực để phục hồi ngành hàng không đã được điều chỉnh để phù hợp với các biện pháp trừng phạt và hạn chế hàng không được áp đặt bởi cả Nga và chống lại Nga.

Kể từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu, Canada, EU, Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã cấm máy bay Nga vào không phận của họ. Nga đã trả đũa bằng cách cấm máy bay 36 quốc gia bay qua bầu trời của mình.

Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau và hạn chế hàng không đã làm rung chuyển lĩnh vực hàng không, dẫn đến việc hủy bỏ hoặc định tuyến lại các chuyến bay, tăng giá vé máy bay, tăng chi phí nhiên liệu, cùng nhiều vấn đề khác.

Cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn bởi xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu lên tới mức chiếm 35% tổng chi phí hoạt động của ngành hàng không trên thế giới, theo Aero Affaires.

Sự ổn định của ngành hàng không sẽ tiếp tục bị thách thức. Trong tình hình bất ổn kinh tế toàn cầu hiện nay với các con số lạm phát kỷ lục, nhiều khả năng nhu cầu du lịch giải trí sẽ giảm.

Tuy nhiên, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vào năm 2022 rất mạnh và duy trì ổn định trong suốt năm nay. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, du lịch hàng không trong EU đã phục hồi mạnh mẽ lên 86% so với mức trước COVID-19.

Ngành hàng không quốc tế của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tương tự trong năm 2022 vừa qua, nhưng bức tranh có triển vọng khả quan hơn cho năm 2023.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/hang-khong-viet-nam-2022-bay-noi-dia-phuc-hoi-an-tuong-thi-truong-quoc-te-con-dang-chay-da-422022122821314120.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục