Đà tăng giá vàng có thể đến từ lực mua 'điên cuồng' của Trung Quốc

17:46 | 24/04/2024
Đợt tăng giá vàng kỷ lục trong năm nay, bất chấp những cơn gió ngược đáng lẽ phải cản trở nó đã khiến những người theo dõi thị trường bối rối. Sau đợt điều chỉnh giá trong đầu tuần này, nhiều người hoài nghi rằng Trung Quốc là động lực chính của thị trường vàng trong thời gian qua.

Sau nhiều cuộc tranh luận về việc liệu rằng đang có lực mua lớn, “bí ẩn” đằng sau đà tăng giá vừa qua hay không, nhiều người đã đi đến kết luật rằng nguyên nhân đến từ các nhà đầu tư cá nhân trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE). 

Chỉ trong vài tuần, SHFE đã từ một địa điểm giao dịch hợp đồng tương lai yên ắng trở thành một điểm kết nối của thị trường vàng toàn cầu. Trong khi các sàn giao dịch đối thủ như London và New York cũng chứng kiến hoạt động giao dịch gia tăng, thì khối lượng giao dịch tại SHFE cũng tăng vọt từ mức cơ bản thấp. Điều này cho thấy một dấu hiệu thuyết phục rằng một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc đã giúp đẩy giá tăng mạnh.

Vàng đã tăng vọt trong năm nay, đạt mức 2.000 USD/ounce kể từ đầu tháng 3 trước những áp lực lớn mà lẽ ra trong bối cảnh bình thường giá vàng sẽ bị hạn chế. 

Thị trường được thúc đẩy bởi những kỳ vọng mờ nhạt về việc xoay trục giảm lãi suất từ ​​Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). 

Trên hết, còn lực mua lớn khác đến từ Ấn Độ, quốc gia tiêu thu vàng lớn thứ hai thể giới. Tuy nhiên, khối lượng SHFE bắt đầu tăng đột biến và giá tăng cao hơn.

Ông Ross Norman, từng là nhà giao dịch tại Credit Suisse Group AG và Rothschilds & Sons.,cho biết: “Điều duy nhất thúc đẩy giá vàng theo kiểu Bitcoin là đầu cơ” .

Ông nói với việc giá vàng tăng và đồng USD mạnh lên, lực đẩy khó lòng đến từ Mỹ, vì vậy những người mua nhiều khả năng đến từ Trung Quốc với đòn bẩy tài chính cao.

Vàng có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc như một công cụ tiết kiệm và quốc gia này tiêu thụ và sản xuất vàng hàng đầu thế giới. Mối quan tâm truyền thống đó đã được hồi sinh nhờ tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Lực mua mạnh từ Trung Quốc

Trong nhiều tháng, người dân và các nhà đầu tư tổ chức ở Trung Quốc đã tích cực mua vàng thỏi vật chất. Cùng lúc đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã có đợt mua sắm rầm rộ kéo dài 17 tháng. Hai lực lượng đó đã giúp thúc đẩy giá cả quốc tế, giờ đây đã được tăng cường do nhu cầu đầu cơ tăng cao.

Khối lượng giao dịch trên sàn SHFE đã bùng nổ, với khối lượng trung bình hàng ngày trong tháng 4 gần như tăng gấp ba lần so với 12 tháng trước đó. Lượng giao dịch đạt đỉnh khoảng 1.200 tấn vào ngày 15/4, cao nhất kể từ năm 2019, trước khi giá bắt đầu giảm trong tuần này.

Ông John Reade, chiến lược gia trưởng thị trường tại Hội đồng Vàng Thế giới , cho biết: “Đó là một dấu hiệu khác cho thấy các thị trường mới nổi , đặc biệt là các thương nhân Trung Quốc, đang dần chiếm ưu thế hơn thị trường phương Tây. Đôi khi, các thương nhân Thượng Hải trở thành những người chơi chiếm ưu thế nhất. Điều đó thực sự chưa bao giờ xảy ra với vàng, nhưng tôi nghĩ bây giờ điều này có thể đã thay đổi”.

Đối với những nhà đầu tư vàng dài hạn, đó có thể là một mối lo ngại nếu lợi nhuận trở nên mong manh. Truyền thông nhà nước gần đây kêu gọi thận trọng khi theo đuổi đà tăng, trong khi SHFE nâng tỷ lệ ký quỹ để ngăn chặn rủi ro quá mức.

Điều đáng chú ý là mặc dù khối lượng giao dịch trên sàn SHFE tăng vọt nhưng số lượng hợp đồng chưa thanh toán hầu như không thay đổi. Điều đó cho thấy những người tham gia giao dịch trong ngày, không có tầm nhìn dài hạn. Giá vàng thỏi giảm 2,7% vào thứ Hai và tiếp tục giảm sâu trong ngày hôm sau. Ông Reade cho rằng nguyên nhân là do các nhà đầu tư ngắn hạn trên sàn chốt lời.

'Ví dụ cực đoan'

Marcus Garvey , người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Macquarie Group Ltd , cho biết: “Đó là một nét đặc trưng của thị trường nội địa Trung Quốc, mặc dù đây là một ví dụ tương đối cực đoan. Dòng tiền đầu cơ đổ vào thị trường vàng ngày càng nhiều”.

Không phải ai cũng nghĩ rằng các nhà đầu tư Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy giá vàng đi lên. 

Ông Jeff Christian , giám đốc điều hành của CPM Group cho biết: “Động lực tăng giá không chỉ đến từ các nhà đầu tư cá nhân hay từ Trung Quốc. Đây thực sự là vấn đề có phạm vi rộng. Hiện tại không có nhiều sự khác biệt trong hành vi giao dịch của các tổ chức lớn so với những nhà đầu tư cá nhân.”

Theo Christian, vàng có thể được ưa chuộng vì Mỹ giữ lãi suất cao trong thời gian dài nhằm kiềm chế lạm phát. Ông nói: “Tất cả họ đều tin rằng lãi suất sẽ không giảm quá sớm. Điều đó có thể tiêu cực đối với các tài sản khác hơn là đối với vàng.”

Cuộc tranh luận về việc các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ ở lại trong bao lâu gắn liền với câu hỏi điều gì đã đưa họ đến với SHFE ngay từ đầu. 

Các nhà giao dịch tổ chức và cá nhân trên sàn SHFE có thể mua vàng để đặt cược vào những biến động ngắn hạn của đồng nhân dân tệ. Năm nay, phiên giao dịch ban đêm của sàn giao dịch này diễn ra sôi động nhất, ngay khi một loạt dữ liệu kinh tế nóng hổi của Mỹ đã đẩy đồng USD lên cao.

Daniel Ghali , chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại TD Securities, cho biết: “Hoạt động giao dịch trên SHFE cho thấy sự đầu cơ của các nhà đầu tư cá nhân và điều đó có thể liên quan đến áp lực tiền tệ. Đây không chỉ là vấn đề đối với các ngân hàng trung ương – mà còn là vấn đề đối với những người tham gia hàng ngày, những người nhận thấy đồng tiền của họ đang mất giá và muốn phòng ngừa điều đó.”

 

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/da-tang-gia-vang-co-the-den-tu-luc-mua-dien-cuong-cua-trung-quoc-422024424174527203.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục