Chứng khoán Mỹ sắp tìm thấy đáy sau chuỗi bán tháo mạnh?

10:18 | 12/10/2022
Lịch sử cho thấy khi chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh liên tiếp như hai phiên đầu tuần trước có thể là dấu hiệu cho thấy đáy của thị trường gấu đã đến gần.

 

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters). 

Đầu tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ trong hai phiên liên tiếp. Đối với các nhà đầu tư, ký ức về hai phiên giao dịch đó có lẽ đã phai nhạt sau khi thị trường sụt giảm 4 ngày sau đó và kết phiên trái chiều hôm 11/10.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones chấm dứt chuỗi giảm điểm, tăng 36,3 điểm, tương đương 0,12%. Nhưng Dow Jones phải trải qua phiên giao dịch đầy hỗn loạn, có lúc tăng hơn 400 điểm rồi lại giảm sâu 130 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq kết phiên thấp hôm trước sau khi tăng điểm trong phút chốc, lần lượt giảm 0,7% và 1,1%. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp hai chỉ số này sụt giảm.

Tờ CNN cho biết có rất ít tin tức có thể lý giải diễn biến “lắc lư” của thị trường. Hôm qua không một công ty lớn nào công bố kết quả kinh doanh và không một báo cáo kinh tế quan trọng nào được phát hành.

Lo ngại về lạm phát và nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tung ra các đợt tăng lãi suất lớn một lần nữa khiến Phố Wall hoảng sợ, đẩy lợi suất trái phiếu dài hạn lên cao hơn. Nỗi sợ về suy thoái tiếp tục leo thang sau những bình luận tiêu cực về nền kinh tế toàn cầu từ những tên tuổi tiếng tăm như CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong hai ngày qua.

Căng thẳng đang được đẩy lên cao trong thời gian chờ đợi các công ty lớn báo cáo kết quả kinh doanh quý III và đưa ra dự báo cho quý IV cũng như năm 2023. Đà tăng của USD tiếp tục ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Và sức mạnh của đồng bạc xanh có vẻ sẽ không sớm suy chuyển.

Hai chuyên gia của UBS Asset Management viết trong báo cáo ngày 11/10: “Chính sách của Fed sẽ tiếp tục thúc đẩy đồng USD. Nhiều khả năng các quan chức Fed sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ không chút nhân nhượng cho đến khi có bằng chứng rõ ràng về sự suy yếu của thị trường lao động hay lạm phát quay về gần mục tiêu 2%”.

Do đó mối quan tâm hiện nay là liệu thị trường có sớm tìm thấy đáy thực sự hay không. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều đã rơi xuống mức thấp nhất trong 52 tuần và Dow Jones cũng không còn cách ngưỡng này là bao.

Điều tồi tệ nhất có thể sắp qua

Tâm lý chung trên thị trường chứng khoán Mỹ có vẻ rất tiêu cực. Nhưng nhà đầu tư không nên vội từ bỏ hy vọng từ hai đợt tăng lớn của thị trường tuần trước.

Lịch sử cho thấy khi chứng khoán Mỹ tăng mạnh như hai phiên đầu tuần trước thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy đáy của thị trường gấu đã rất gần. Tổng cộng, chỉ số S&P 500 đi lên 5,7% trong hai ngày đó.

Bà Liz Ann Sonders, Giám đốc đầu tư của Charles Schwab, đã đăng tải một tập dữ liệu từ năm 1960. Kết quả cho thấy trong 14 lần chỉ số S&P 500 ghi nhận hai phiên tăng liên tiếp hơn 2,5% thì có đến 11 lần chỉ số này lên cao hơn trong 6 tháng sau đó. Và trong số 11 lần đó thì có ba trường hợp được ghi nhận vào cuối năm 2008, khi biến động thị trường lên cao đỉnh điểm trong khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Báo cáo khác từ Bespoke Investment Group cho thấy chứng khoán Mỹ còn có kết quả tốt hơn nữa trong vòng 12 tháng sau hai phiên tăng mạnh. Chỉ số S&P 500 đi lên gần 15% một năm sau hai ngày tăng dữ dội liên tục, cao hơn hẳn mức tăng bình thường trong lịch sử là 9%.

Nhưng biến động lớn trên thị trường cũng cho thấy nhà đầu tư đang lo lắng đến mức nào. Chỉ số Sợ hãi và Tham lam của CNN Business hiện đang nằm trong vùng Sợ hãi Tột độ.

Cơ hội với nhà đầu tư

Khi các nhà đầu tư đều trở nên bi quan thì đây thường là cơ hội tốt để đầu tư cổ phiếu trong dài hạn. Ông Louis Navellier, Chủ tịch công ty quản lý tài sản Navellier & Associates viết trong lưu ý rằng sự bùng nổ của thị trường hai ngày đầu tháng 10 một phần là do các nhà đầu tư đổ xô đi mua cổ phiếu để đóng vị thế bán khống.

Ông chỉ ra: “Đây là diễn biến rất quan trọng, bởi các cuộc phục hồi do đóng vị thế bán khống là cách mà thị trường đảo chiều”.

Ông cũng lưu ý rằng “tuần trước, chứng khoán đã chuyển từ quá bán sang quá mua”. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi sau đó thị trường hạ nhiệt. Nhưng chỉ số S&P 500 vẫn đang cao hơn mức đóng cửa ngày 30/9 sau khi chứng khoán bị bán tháo. Nói cách khác, nhà đầu tư nên đứng yên thay vì tháo chạy khỏi thị trường.

Bà Indrani De, trưởng bộ phận nghiên cứu đầu tư toàn cầu của FTSE Russel cảnh báo rằng nhà đầu tư không nên phản ứng thái quá với biến động hàng ngày của thị trường. Nhà đầu tư có thể bỏ lỡ những cuộc phục hồi lớn như tuần trước nếu liên tục cố gắng mua đáy bán đỉnh.

Bà De đồng ý rằng “trong những giai đoạn nền kinh tế bất ổn nghiêm trọng, thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh”. Nhưng bà khuyên nhà đầu tư vượt qua biến động trước mắt và tập trung vào kết quả lâu dài.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/chung-khoan-my-sap-tim-thay-day-sau-chuoi-ban-thao-manh-422022101281532652.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục