Cảng lớn của Mỹ phải đóng cửa sau vụ sập cầu, ngành logistics lại hối hả ứng phó

08:21 | 27/03/2024
Các công ty logistics dọc Bờ Đông của Mỹ đang gấp rút thông báo cho khách hàng về tình hình xuất nhập hàng sau khi cảng Baltimore phải đóng cửa để ứng phó với vụ sập cầu Francis Scott Key.

 

Tàu Dali đâm sập cầu Francisco Scott Key ở Baltimore, Maryland. (Ảnh: Getty Images).

 

Không nghiêm trọng như vụ Ever Given

 

Các công ty logistics dọc Bờ Đông (Mỹ) đang gấp rút thông báo cho khách hàng về tình hình xuất nhập hàng sau khi cảng Baltimore phải đóng cửa để ứng phó với vụ sập cầu Francis Scott Key. Đến sáng ngày 26/3, nỗ lực giải cứu vẫn đang diễn ra.

Tàu Dali có sức chứa 10.000 container đang trên đường rời cảng Baltimore vào rạng sáng cùng ngày để tới Colombo, Sri Lanka thì va chạm một trụ cầu. Vào thời điểm xảy ra va chạm, trên tàu có hai nhân viên của cảng Baltimore.

Ông Paul Brashier, Phó Giám đốc cấp cao của ITS Logistics, giải thích: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là làm việc với khách hàng để chuyển các container dự kiến cập cảng Baltimore đến các cảng khác trên Bờ Đông”.

Theo vị phó giám đốc, sự điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến các cảng New York/New Jersey, Norfolk và khu vực Đông Nam. ITS Logistics cũng phải chuẩn bị xe tải và xe trung chuyển để đưa lượng hàng hoá đó đến nơi tiêu thụ.

Thống đốc bang Maryland là ông Wes Moore cho biết, hơn 52 triệu tấn hàng hoá nước ngoài - trị giá khoảng 80 tỷ USD - được vận chuyển qua cảng Baltimore vào năm ngoái.

Là cảng lớn thứ 11 tại Mỹ, Baltimore trung chuyển hơn 207 con tàu mỗi tháng vào năm 2023, theo tạp chí vận tải biển Lloyd’s List.

Các nhà bán lẻ như Home Depot, Bob’s Furniture, IKEA và Amazon là một vài trong số những doanh nghiệp sử dụng cảng Baltimore để nhập khẩu hàng hoá.

Ông Richard Meade, tổng biên tập tạp chí Lloyd’s List, cho hay: “Vụ tai nạn sẽ tác động đến hoạt động thương mại dọc Bờ Đông và sẽ tiếp tục cho đến khi chúng ta biết khi nào cảng Baltimore mở cửa trở lại”.

Trao đổi với CNBC, ông Meade lưu ý quá trình điều chuyển tàu hàng sẽ tốn kém nhưng không đáng ngại như vụ siêu tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez hồi năm 2021.

Cảng quan trọng với chuỗi cung ứng ô tô

Baltimore là cảng đóng vai trò quan trọng về xuất nhập khẩu ô tô và xe tải nhẹ, cũng như xe công nông có bánh và máy móc xây dựng.

Theo dữ liệu từ cảng Baltimore, cảng này đã trung chuyển hơn 847.000 ô tô và xe tải nhẹ vào năm ngoái. Đây là năm thứ 13 liên tiếp Baltimore dẫn đầu tất cả các cảng ở Mỹ về nhập khẩu ô tô và xe tải nhẹ.

Xét về kim ngạch, cảng Baltimore nhập khẩu tổng cộng 55,2 tỷ USD hàng hoá trong năm 2023, trong đó 23 tỷ USD là ô tô và xe tải nhẹ. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu khác của cảng Baltimore bao gồm đường và thạch cao.

Theo chia sẻ của ông D'Andrae Larry, nhà quản lý cấp cao tại Uber Freight, sau vụ va chạm, cầu Francis Scott Key và cảng Baltimore có thể sẽ ngừng hoạt động trong nhiều tháng.

Điều này sẽ buộc các tàu chở hàng phải điều chuyển đến các cảng ở New York và New Jersey, sau đó tới Norfolk, Virginia hoặc Georgia, South Carolina.

“Các khách hàng sẽ tìm kiếm giải pháp để vận chuyển lượng hoà hoá vốn thường đi qua Maryland, trung Đại Tây Dương, vùng thượng Trung Tây và New England”, ông Larry cho hay.

Gián đoạn nguồn cung năng lượng

Theo CNBC, vụ va chạm cũng có thể gây gián đoạn nguồn cung than và xăng dầu ở khu vực Baltimore, vì một số ethanol được vận chuyển bằng xà lan và đường sắt.

“Xăng được vận chuyển từ các nhà máy lọc dầu ở Bờ Vịnh bằng đường ống sẽ được pha trộn với 10% ethanol. Số ethanol này được đưa đến khu vực Baltimore bằng tàu hoả và xà lan”, Giám đốc Andy Lipow của Lipow Oil Associates cho hay.

Ông Lipow nhận định ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ phải tìm các tuyến đường cung ứng thay thế cho những chuyến bằng xa lan.

Vị giám đốc cho biết thêm rằng nguồn cung nhiên liệu máy bay và nhiên liệu diesel nhiều khả năng không bị ảnh hưởng. Song, việc điều hướng sẽ khiến chi phí vận tải biển và vận tải đường bộ tăng lên.

Cùng ngày 26/3, công ty đường sắt CSX cảnh báo khách hàng rằng nguồn cung than đá có thể đến trễ vài ngày do vụ sập cầu.

Ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu

Theo ông Judah Levin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Freightos, nếu các nhà xuất khẩu không thể chờ cho đến khi cảng Baltimore mở cửa lại, chi phí vận tải đường bộ và đường sắt có thể sẽ tăng nếu họ điều chuyển hàng bằng xe tải hoặc tàu hoả đến các cảng thay thế như New York/New Jersey hay Norfolk.

Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Baltimore bao gồm than đá, khí đốt tự nhiên, linh kiện hàng không vũ trụ, máy móc xây dựng, linh kiện nông nghiệp và đậu nành. Đây là cảng xuất khẩu than nhộn nhịp thứ hai của Mỹ sau Hampton Roads, theo Wolfe Research.

Ước tính tổn thất ban đầu

Giá cước vận tải biển từ châu Á đến Bờ Đông vẫn đang tăng cao sau khi nhiều tàu chở hàng chuyển hướng ra khỏi khu vực Biển Đỏ để tránh bị phiến quân Houthi tấn công.

Song, nhìn chung cước phí đã giảm so với mức đỉnh do nhu cầu dịu bớt và các hãng vận tải biển đã thực hiện điều chỉnh cho các lộ trình dài hơn. Tính đến ngày 26/3, giá cước xuyên Đại Tây Dương ngang bằng với mức của năm 2019, khoảng 1.659 USD/FEU.

Mặc dù hoạt động thương mại không bị gián đoạn nghiêm trọng sau sự cố, cầu Francis Scott Key vẫn cần được thiết kế và xây dựng lại. Quá trình này có thể mất nhiều năm.

Tổng biên tập Meade dự kiến việc xây lại cầu sẽ mất hơn hai năm. Năm 1977, cây cầu hoàn thiện với kinh phí 60 triệu USD. Xét đến lạm phát và tốc độ thi công hiện nay, việc xây dựng lại cầu sẽ rất tốn kém.

 

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/cang-lon-cua-my-phai-dong-cua-sau-vu-sap-cau-nganh-logistics-lai-hoi-ha-ung-pho-42202432782016609.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục