Vì sao NHNN luôn để giá sàn cao trong các phiên đấu thầu vàng?

20:40 | 08/05/2024
Giá sàn cao được cho là nguyên nhân khiến cho các phiên đấu thầu vàng vừa qua bị "ế khách".

Khó đưa ra mức giá sàn thấp

Trong lúc chờ sửa Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng biện pháp đấu thầu vàng nhằm ổn định thị trường.

Tính đến nay, cơ quan này đã tổ chức 5 buổi đấu thầu vàng nhưng dường như chưa thực sự hiểu quả. Bởi, có 3/5 cuộc đấu thầu bị huỷ vì chỉ có duy nhất một thành viên tham gia. Hai buổi còn lại, khối lượng “khớp lệnh” chỉ tương ứng 20% số vàng được đem ra đấu thầu, tương đương với 6.800 lượng vàng.

Một trong những nguyên nhân khiến vàng đấu thầu bị “ế” khách được cho là giá sàn quá cao và sát với thị trường nên chưa đủ hấp dẫn các thành viên tham gia. 

Điển hình như phiên sáng nay, giá sàn là khoảng 86 triệu đồng trong khi giá các công ty bán vàng mua từ người dân là hơn 85 triệu/lượng. Mức giá sàn cũng chỉ cách giá bán ra khoảng 1,5 triệu đồng đồng/lượng. Câu hỏi đặt ra là tại sao NHNN vẫn giữ giá sàn ở mức cao dù nhiều lần tổ chức đấu thầu thất bại?

Lý giải vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc NHNN tổ chức các cuộc đấu thầu vàng rất quan trọng, phù hợp với mục tiêu tăng cung vàng ra thị trường. Tuy nhiên, đây là tài sản của nhà nước, do đó Vụ Ngoại hối cũng phải đưa ra giá sàn tương đương với giá thị trường và không thể bán giá quá thấp. 

“Nếu các ngân hàng, doanh nghiệp cảm thấy phù hợp và có thể bán được với mức giá đó thì sẽ mua còn nếu không thì thôi. Tuy nhiên, qua các phiên đấu thầu có thể thấy mặc dù các doanh nghiệp, ngân hàng có nhu cầu nhưng vẫn thấp, chưa đến mức giá nào cũng chấp nhận mua”, ông Thịnh nói. 

Tuy nhiên, theo ông Thịnh ngay cả NNHNN vẫn chưa thể xác định nhu cầu vàng đến đâu, do đó phải dựa vào giá thị trường để làm giá tham chiếu. 

 

Chia sẻ với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng rất khó để đưa ra mức giá tối thiểu phù hợp nhất cho đấu thầu vàng ở thời điểm này. "Giá vàng trong phiên đấu thầu biến động mạnh khiến doanh nghiệp chần chừ. Họ không chắc giá mình bỏ thầu phù hợp hay không hay giá còn xuống nữa. Đây là thời điểm họ rất khó quyết định”, ông Hiếu nói. 

Theo ông, có thể NHNN không muốn đưa ra một mức giá quá thấp. Mục đích của cơ quan này khi đấu thầu vàng là tạo ra sự ổn định trên thị trường chứ không phải cố gắng đưa ra một mức giá quá thấp. Nếu đưa ra mức giá quá thấp cũng không phải là điều có lợi cho họ.

 

Giải pháp nào cho thị trường vàng?

 

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực cho biết bối cảnh hiện tại đã khác hơn nhiều so với lần đấu thầu gần đây nhất cách đây 10 năm. Lần trước, các ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường vàng rất sâu và họ bán lượng vàng rất lớn ra thị trường. Do đó, khi đấu thầu, giá nào họ cũng mua vì nhu cầu lớn.  

Trong khi đó ở hiện tại, các ngân hàng không tham gia huy động vàng nữa và mức độ tham gia vào thị trường vàng không sâu như trước đây. Đối tượng tham gia đấu thầu chủ yếu là các doanh nghiệp và chỉ một số ngân hàng thương mại được cấp phép kinh doanh vàng miếng. 

Do đó, khi tham gia đấu thầu, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều nhận thấy rủi ro. Trường hợp các doanh nghiệp và ngân hàng vẫn quyết định mua, họ sẽ phải đẩy giá vàng bán ra lên cao hơn so với mức đã trúng thầu là trên 86 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng cách giữa vàng SJC và thế giới sẽ càng nới rộng. 

 

Vị này cho rằng trong lúc chờ Nghị định 24 được sửa đổi, NHNN vẫn có thể sử dụng công cụ, chính sách ở nghị định cũ để thu hẹp khoảng cách giá.

Theo đó, NHNN có thể nhập khẩu vàng và bán với giá cao hơn thế giới khoảng 1 - 2 triệu đồng/lượng. Khi đó các doanh nghiệp sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vì rủi ro giảm đi nhiều. Hoặc NHNN nhập vàng sau đó giao cho các ngân hàng thương mại làm đại lý và hưởng hoa hồng.

Về lâu dài, chuyên gia này cho rằng NHNN nên trao quyền nhập khẩu vàng nhiều hơn cho họ. Bởi nếu NHNN nhập khẩu vàng thì sẽ phải dùng đến dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh đó, khối lượng đấu thầu vàng cũng cần được điều chỉnh. “Trước đây, chúng tôi đấu thầu chỉ tối thiểu 500 lượng thôi, mà ngày xưa các ngân hàng thương mại đang rất khát vàng nên sẵn sàng mua. Nhưng bây giờ 500 lượng cũng là khó khăn. Nên bây giờ đấu thầu chỉ nên quy định tối thiểu là 100 lượng, còn ai có tiền và nhu cầu nhiều thì mua nhiều”, ông cho biết.

Biện pháp nhập khẩu vàng cũng từng được nhiều chuyên gia đề cập tới trong những giải pháp để "hạ nhiệt" thị trường vàng. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần tính toán thời điểm nhập khẩu vàng sao cho hợp lý. Theo ông, NHNN nên nhập khẩu vàng lúc thị trường ổn định hoặc đi xuống và bán ra khi thị trường tăng nóng, giật cục. 

Còn theo ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), cho rằng động thái này là giải pháp ngắn hạn giúp rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, NHNN có thể thực hiện những biện pháp khác như cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp đủ điều kiện.

"Còn đối với việc xoá bỏ độc quyền vàng miếng sẽ mất nhiều thời gian hơn 3 - 6 tháng để ra một Nghị định mới", ông Khánh nói.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/vi-sao-nhnn-luon-de-gia-san-cao-trong-cac-phien-dau-thau-vang-42202458195810206.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục