Thứ trưởng Bộ Công Thương: Xuất siêu 7,55 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm chưa chắc là tín hiệu tốt

18:02 | 18/05/2023
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong bối cảnh hiện tại, việc xuất siêu chưa hẳn là tín hiệu mừng vì số liệu cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu giảm. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp không có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu về để sản xuất do nhu cầu hàng hoá giảm sút.

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 18/5, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 xuất siêu 7,55 tỷ USD.

 

Tuy nhiên, theo ông Hải, trong bối cảnh hiện tại, việc xuất siêu chưa hẳn là tín hiệu mừng vì số liệu cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu giảm. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp không có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu về để sản xuất do nhu cầu hàng hoá giảm sút. 

 Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương (Ảnh: H.Mĩ)

Theo đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 đạt 99,6 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước giảm 19% xuống 87 tỷ USD. Đây cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam với 88%.

  Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam chưa bao giờ gặp phải tình trạng khó khăn như hiện nay ví dụ như Mỹ, EU, Vương quốc Anh,…Ngay cả khi Việt Nam có hiệp định thương mại tự do với các nước nhưng việc kim ngạch xuất giảm do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi. 

Những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

 

“Chúng ta cần đánh giá kỹ hơn về con số xuất siêu 7,55 tỷ USD. Tốc độ xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ. Khi tất cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng thì là điều đáng mừng, kể cả lúc đó nhập siêu cũng chưa chắc là điều xấu vì điều đó chứng tỏ lượng tiêu thụ hàng hoá tăng lên và chúng ta phải nhập khẩu nhiều hơn để phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Nhưng ngược lại khi xuất siêu như hiện nay chúng ta cũng phải đánh giá rất kỹ, liệu rằng có phải do nhu cầu yếu mà doanh nghiệp nhập ít nguyên vật liệu để sản xuất hay không. Đây là điều hết sức đáng lo”, ông Hải nhận định. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP trong 4 tháng đầu năm giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm 2,1%.

Theo ông Hải sản xuất của ngành công nghiệp nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong 4 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam yếu, các doanh nghiệp thiếu đơn đặt hàng mới, tồn kho hàng thành phẩm tăng, một số doanh nghiệp đã buộc phải cắt giảm số lượng việc làm cũng như giảm mua hàng hóa đầu vào.

Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, tiêu dùng trong nước chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Điển hình như ngành dệt may, da giày, lượng tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 10%, còn lại là xuất khẩu. 

Mặc dù vậy, ông đánh giá mặt tích cực của con số xuất siêu 7,55 tỷ USD là giúp ổn định cán cân thanh toán, tỷ giá và các chỉ số vĩ mô khác của nền kinh tế.

“Chúng tôi đang phối hợp với Tổng Cục Thống kê và các bộ ngành khác để đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa về con số xuất siêu 7,55 tỷ USD”, Thứ trưởng cho biết. 

Theo Bộ Công Thương thời gian tới tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm.

Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới đối với sản phẩm nhập khẩu.

Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

Tuy nhiên, trong thời gian tới vẫn có những dấu hiệu tích cực. Một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan.

Các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất.

Chỉ số sản xuất công nghiệp xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

 

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/thu-truong-bo-cong-thuong-xuat-sieu-755-ty-usd-trong-4-thang-dau-nam-chua-chac-la-tin-hieu-tot-4220235181817152.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục