Tay không mà nổi cơ đồ: Cô công nhân trắng tay trở thành bà trùm bất động sản Trung Quốc

16:14 | 31/03/2024
Chuyện đời của nữ tài phiệt Zhang Xin chứng minh rằng một người tay trắng vẫn có thể làm nên sự nghiệp vĩ đại.

Bà Zhang Xin. (Ảnh: Bloomberg). 

Tay không mà nổi cơ đồ

 

Bà Zhang Xin sinh ra tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 1965 trong gia cảnh nghèo khó và đơn điệu. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN trước kia, bà từng kể: “Thời tôi còn nhỏ, Bắc Kinh rất lặng lẽ: không có ô tô, không cửa hiệu, không máy móc. Mọi người chỉ đi lại bằng xe đạp”.

Năm 14 tuổi, bà và mẹ chuyển tới Hong Kong. Bà chỉ có thể xin được những công việc trả lương thấp trong các nhà máy sản xuất đồ chơi, quần áo và hàng điện tử.

Bà Zhang mất 5 năm để tiết kiệm tiền mua vé máy bay đến London và đăng ký một khóa học tiếng Anh. Một chân trời mới mở ra, nhưng bà vẫn chưa thoát khỏi cảnh cơ cực. Để kiếm sống, bà làm việc tại một cửa hàng bán cá và khoai tây chiên truyền thống kiểu Anh do một cặp vợ chồng người Trung Quốc làm chủ.

Dù phải làm việc vất vả, bà Zhang vẫn giành được học bổng và tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế tại Đại học Sussex, rồi lấy bằng thạc sĩ ở Cambridge. Sau đó, bà làm việc cho cơ sở của Goldman Sachs ở London. Tiếp theo, bà được điều đến Hong Kong và New York.

Sau khi đưa một số công ty Trung Quốc lên sàn chứng khoán, bà có linh cảm rằng đất nước mình sắp bước vào một thời kỳ mới, rất sôi động. Bà khát khao quay trở về. Bà nhớ lại: “Tôi có cảm giác rằng Trung Quốc đang thực sự thay đổi. Tôi muốn mình là một phần của quá trình đó”.

Tại Bắc Kinh, bà gặp gỡ người chồng tương lai - doanh nhân Pan Shiyi. Chỉ sau 4 ngày ông đã ngỏ lời cầu hôn và được bà chấp nhận. Cùng với nhau, cả hai người mở công ty bất động sản Hong Shi, tiền thân của SOHO China.

“Người phụ nữ xây Bắc Kinh”

Trong quá trình làm việc, hai vợ chồng nhận ra rằng bà Zhang có thiên phú trong việc thiết kế, còn tài năng của ông Pan nằm ở việc bán và cho thuê nhà. Nhờ các dự án sáng tạo, bà Zhang được mệnh danh là người tô điểm màu sắc cho khung cảnh thành phố Bắc Kinh.

Bà Zhang trở nên nổi danh với Commune by the Great Wall, chuỗi biệt thự (nay là khách sạn boutique) nằm trong một thung lũng cạnh Vạn Lý Trường Thành.

Dự án được thiết kế bởi 12 kiến trúc sư mới nổi đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc. Một vài người trong số họ khi đó còn chưa đặt chân đến Trung Quốc bao giờ.

Tuy nhiên, bà Zhang tin là thung lũng cạnh Vạn Lý Trường Thành sẽ là khu vực lý tưởng để các kiến trúc sư thỏa sức sáng tạo. Bà nói với họ: “Việc của các bạn là thiết kế ý tưởng của riêng mình. Tôi sẽ là người chịu trách nhiệm xây dựng”.

Ván cược của bà đã thành công. Năm 2002, bà Zhang được trao giải thưởng Người Bảo trợ cho các công trình kiến ​​trúc tại Venice Biennale nhờ Commune by the Great Wall.

 

Trong ảnh là các công trình kiến trúc nổi tiếng do SOHO xây dựng. Từ trái sang: Galaxy SOHO, Wangjing SOHO và Leeza SOHO. (Ảnh: The Foreign Architect)

 

Các công trình đáng chú ý trước đó của bà bao gồm SOHO New Town, khu dân cư và thương mại phía đông Trung tâm Thương mại Thế giới Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ngoài ra còn phải kể đến Jianwai SOHO, khu phức hợp gồm 20 tòa tháp cao tầng, vườn trên sân thượng và 4 biệt thự, cũng ở thủ đô Trung Quốc.

Năm 2007, bà Zhang đưa SOHO niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong. Công ty huy động được 1,9 tỷ USD trong cuộc IPO, đưa giá trị tài sản ròng của vợ chồng bà lên 4 tỷ USD.

Nhìn xa trông rộng

Năm 2012, SOHO China thay đổi mô hình kinh doanh từ “xây và bán” thành “xây và giữ”, tức là cho thuê bất động sản thay vì bán đứt. Mục tiêu của sự chuyển đổi này là nắm bắt nhu cầu thuê văn phòng tại Bắc Kinh và Thượng Hải, đồng thời giúp công ty ổn định dòng tiền. Tờ Forbes cho biết năm 2016, SOHO là nhà phát triển văn phòng cao cấp lớn nhất Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, gia đình bà Zhang cũng sớm đa dạng hóa đầu tư sang New York. Năm 2011, gia đình bà bỏ 600 triệu USD để góp vốn vào tòa văn phòng Park Avenue Plaza. Hai năm sau, hai vợ chồng bắt tay với một tập đoàn để đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào tòa nhà của General Motors.

Năm 2016, SOHO bán tòa SOHO Century Plaza ở Thượng Hải với giá 3,2 tỷ nhân dân tệ “để tận dụng cơ hội kiếm tiền khi thị trường đang nóng”, theo lời của ông Pan Shiyi. Năm 2017, công ty tiếp tục bán tòa văn phòng Hongkou SOHO để thu về 3,6 tỷ nhân dân tệ, lãi 53%.

Vợ chồng bà Zhang có vẻ đã đoán trước được rằng cơn sốt trên thị trường bất động sản ở Trung Quốc rồi sẽ đến lúc nguội lạnh. Năm 2020, hai người định bán lượng cổ phần kiểm soát của mình ở SOHO cho tập đoàn đầu tư Blackstone, nhưng thương vụ này bị hủy bỏ. Đây cũng là năm Bắc Kinh vạch ra chính sách “ba lằn ranh đỏ” để kiểm soát khối nợ khổng lồ của các nhà phát triển bất động sản.

Đến tháng 9/2022, ông Pan Shiyi quyết định rời khỏi vị trí Chủ tịch SOHO, bà Zhang Xin cũng để lại chiếc ghế CEO cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của tập đoàn. Cả hai tiếp tục ở lại HĐQT của công ty.

Giờ đây, hai vợ chồng bà chủ yếu sống ở New York. Họ thường được bắt gặp tham gia các sự kiện thể thao và xã hội nổi tiếng. Cả hai đều là ủy viên cấp cao tại Đại học Harvard. Bà Zhang là thành viên ban cố vấn của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Họ cũng là những nhà từ thiện nổi tiếng tại Trung Quốc. Năm 2014, hai người cung cấp học bổng cho các học sinh Trung Quốc tại Đại học Harvard và Yale. Ông Pan cũng tài trợ cho các chương trình giáo dục tại quê nhà ở tỉnh Cam Túc.

 

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/tay-khong-ma-noi-co-do-co-cong-nhan-trang-tay-tro-thanh-ba-trum-bat-dong-san-trung-quoc-42202432821818777.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục