Hai thập kỷ lạm phát và lãi suất thấp đã kết thúc, nhà đầu tư bước vào kỷ nguyên nhiều biến động

08:42 | 15/10/2022
Ông Ethan Harris, Giám đốc nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Bank of America (BofA) và các đồng nghiệp cho rằng tình trạng tăng trưởng, lạm phát và lãi suất đều thấp trong hai thập kỷ qua không phải là “bình thường” như nhiều nhà kinh tế nhận định mà là những vấn đề bất thường.

Một chi nhánh của ngân hàng Bank of America. (Ảnh: Getty)

Theo nhóm chiến lược gia đầu tư của ngân hàng BofA, lạm phát cao và chính sách tăng lãi suất đã trở thành những vấn đề nổi cộm đối với kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Sự thay đổi cơ bản về nhân khẩu học và thị trường lao động, cùng với xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa và giảm đầu tư vào sản xuất năng lượng, đã tạo ra những chuyển đổi trong hệ thống kinh tế.

Trong khi các Tổng Giám đốc (CEO) có tiếng tăm như tỷ phú Elon Musk của Tesla và "nữ kiệt" giới đầu tư Cathie Wood nhận định chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể gây ra tình trạng giảm phát, BofA lại cho rằng Fed vẫn chưa kiềm chế được lạm phát và sẽ tiếp tục tăng lãi suất cao hơn.

Các chiến lược gia của BofA lưu ý khi tỷ lệ lạm phát hàng năm của một nền kinh tế phát triển vượt ngưỡng 5%, trung bình phải mất 10 năm để tỷ lệ này trở lại mức 2%. Họ cũng nhấn mạnh Fed khó có thể kiềm chế lạm phát tiền lương. Trong năm 2022, lạm phát tiền lương đối với nhân viên đã vọt lên 6% lần đầu tiên trong 45 năm.

Số liệu lạm phát lõi không bao gồm giá năng lượng và lương thực.

Những nhân tố thổi bùng lạm phát

Theo một ước tính, tiền lương trả cho nhân viên chiếm khoảng 40% chi phí của các doanh nghiệp có tên trong chỉ số S&P 500. Do đó, lạm phát sẽ tiếp tục gây sức ép lên tỷ suất lợi nhuận, khi nguồn cung lao động vẫn eo hẹp trong tương lai gần.

Các chiến lược gia của BofA cũng đề cập đến tình trạng thiếu đầu tư vào sản xuất năng lượng trong thập kỷ qua và điều này sẽ khiến giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng trong tương lai.

BofA ước tính khoản đầu tư vào dầu khí hàng năm trên toàn thế giới đã giảm xuống còn khoảng 450 tỷ USD trong năm nay, sau khi đạt đỉnh 750 tỷ USD vào giữa những năm 2010.

Ngoài ra, các chuyên gia của BofA còn chỉ ra rằng quá trình đảo ngược toàn cầu hóa và già hóa dân số già đã trở thành những thách thức lạm phát về dài hạn.

Kim ngạch thương mại và trao đổi lao động giữa các quốc gia, vốn giúp giảm lạm phát trong vài thập kỷ qua, đã đình trệ trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, tình trạng già hóa dân số cũng thúc đẩy lạm phát do tỷ lệ người phụ thuộc tăng lên.

Tỷ lệ người phụ thuộc so với số người trong độ tuổi lao động của Mỹ liên tục đi lên trong thập kỷ qua.

Báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy sự gia tăng tỷ lệ người phụ thuộc có thể gây ra tác động lạm phát vì người lao động gặp khó khăn hơn trong việc sản xuất đủ hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu tổng thể.

Theo Liên hợp quốc, tỷ lệ người phụ thuộc tại Mỹ đã chạm đáy vào năm 2010 và có thể đạt đỉnh trong 40 năm tới và làm gia tăng rủi ro lạm phát trong dài hạn.

Nhà giao dịch Peter Tuchman trên Sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 21/9. (Ảnh:Getty Images)

Lời khuyên cho nhà đầu tư chứng khoán

Đối với các nhà đầu tư, BofA khuyên rằng trong môi trường lạm phát gia tăng, các “chứng sỹ” nên mua vào nhóm cổ phiếu định hướng giá trị và tránh những tên tuổi công nghệ tập trung vào tăng trưởng.

Ngày 13/10, Mỹ công bố báo cáo cho biết trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngay sau báo cáo này, chứng khoán Phố Wall đã chìm trong sắc đỏ, song sau đó, các chỉ số chính đã lấy lại đà phục hồi. Dow Jones kết phiên tăng hơn 800 điểm, S&P 500 thêm 2,6%.

S&P 500 tăng mạnh sau khi báo cáo lạm phát tháng 9 được công bố, dứt chuỗi giảm 6 phiên liên tiếp.

Ông Patrick O'Hare, nhà phân tích của Briefing.com đánh giá số liệu lạm phát đáng thất vọng đã không gây sốc cho thị trường như các báo cáo kinh tế khác.

Đầu tuần này, ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase đã cảnh báo nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể suy thoái trong 6 đến 9 tháng nữa. Ông liệt kê một loạt vấn đề như kế hoạch tăng lãi suất của Fed vào năm tới, tác động lâu dài của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tại Ukraine.

Trong nỗ lực giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, Fed đã tăng lãi suất 5 lần trong năm nay. Ba lần tăng 75 điểm cơ bản gần nhất đã nâng lãi suất lên vùng 3-3,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Ông Dimon lặp lại mối lo ngại rằng kinh tế Mỹ sẽ khó hạ cánh mềm và không tránh được suy thoái vào thời điểm hiện nay.

Trả lời Bloomberg hôm 13/10, ông Dimon - CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - nhận định trong một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, thị trường chứng khoán sẽ lao dốc thêm 20% đến 30% sau khi đã giảm mạnh trong năm nay.

Đồng quan điểm, các nhà kinh tế khác, bao gồm cố vấn kinh tế của Allianz, ông Mohamed El-Erian và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers, đều cho rằng Mỹ sẽ khó tránh được một cuộc hạ cánh cứng. Tháng trước, ông Summers cho biết khả năng nền kinh tế hạ cánh cứng cao hơn so với hạ cánh mềm. 

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/hai-thap-ky-lam-phat-va-lai-suat-thap-da-ket-thuc-nha-dau-tu-buoc-vao-ky-nguyen-nhieu-bien-dong-422022101412142966.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục