Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

11:58 | 14/10/2022
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng phê duyệt ngày 9/6/2014.

Theo đó, Chiến lược nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo;

Ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược; điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các nhóm ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành điện tử và viễn thông và ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 6,5 - 7%/năm, giai đoạn 2020 - 2025 đạt 7 - 7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2035 đạt 7,5 - 8,%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 12,5 - 13%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 1 - 12,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2035 đạt 10,5 - 11%/năm;

Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42 - 43%, năm 2025 chiến 43 - 44% và năm 2035 chiếm 40 - 41% trong cơ cấu kinh tế cả nước; tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu/tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 85 - 88%, sau năm 2025 đạt trên 90%; giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt khoảng 45% tổng GDP, sau năm 2025 đạt trên 50%;

Chỉ số ICOR công nghiệp giai đoạn 2011 - 2025 đạt 3,5 - 4%; giai đoạn 2026 - 2035 đạt 3 - 3,5%; hệ số đàn hồi năng lượng/GDP năm 2015 đạt 1,5; năm 2020 đạt 1 và đến năm 2035 duy trì ở mức 0,6 - 0,8, tiệm cận với các nước trong khu vực; tỷ lệ phát thải khí nhà kính ngành công nghiệp gia tăng bình quân trong khoảng 4 - 4,5%/năm.

XEM CHI TIẾT VÀ TẢI VỀ Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. TẠI ĐÂY

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/chien-luoc-phat-trien-cong-nghiep-viet-nam-den-nam-2025-tam-nhin-den-nam-2035-4320221014115726578.htm

Cùng chuyên mục