[Case Study] Cái chết của Metaverse và sự ‘lên đồng’ của cả ngành công nghệ về một thế giới không tưởng

07:20 | 09/05/2023
Việc Meta, đơn vị đi đầu trong phát triển Metaverse, chuyển hướng sang AI đã đặt dấu chấm hết cho xu hướng vũ trụ ảo.

Đồ hoạ: Insider

Metaverse (vũ trụ ảo) - công nghệ nổi tiếng một thời hứa hẹn cho phép con người chu du trong thế giới ảo, đã mất phương hướng sau khi bị giới kinh doanh bỏ rơi. Trào lưu này kéo dài 3 năm.

Đi đầu trong trào lưu này là người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, khi tỷ phú này đổi tên công ty của mình thành Meta. Sau màn ra mắt gây được nhiều tiếng vang, Metaverse đã trở thành nổi ám ảnh của giới công nghệ và được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thu hút các nhà đầu tư Phố Wall.

Tuy nhiên, viễn cảnh tươi đẹp của vũ trụ ảo không thể cứu được Metaverse và việc thiếu tầm nhìn nhất quán cho sản phẩm sau cùng đã dẫn đến sự suy tàn của nó. Ngành công nghệ giờ đây được chuyển dịch sang một xu hướng mới, hứa hẹn hơn, đó là AI (trí tuệ nhân tạo). Số phận Metaverse dường như đã được định sẵn.

Metaverse đang trên đường đến “nghĩa địa của những ý tưởng thất bại trong ngành công nghệ” - cách dùng từ của tờ Insider. Vòng đời tồn tại ngắn ngủi của nó và cái chết của Metaverse. đã đưa ra bản cáo trạng về ngành công nghệ đã sản sinh ra nó.

Xuất phát từ một lời hứa viển vông

Ngay từ buổi đầu, Zuckerberg đã tuyên bố Metaverse sẽ là tương lai của Internet. Đoạn video quảng cáo hào nhoáng đi kèm với thông báo thay đổi tên công ty của Zuckerberg đã mô tả một tương lai nơi người dùng có thể tương tác liền mạch trong thế giới ảo: Giao tiếp bằng mắt và cảm thấy như đang ở chung một căn phòng. Vị CEO khẳng định Metaverse mang đến cho mọi người cơ hội tham gia vào trải nghiệm "nhập vai".

Những lời hứa vĩ đại này đã đặt những kỳ vọng cao ngất trời lên Metaverse. Các phương tiện truyền thông ngất ngây trước khái niệm vũ trụ ảo. Tờ báo công nghệ uy tín The Verge đã xuất bản một cuộc phỏng vấn dài gần 5.000 từ với Zuckerberg ngay sau thông báo.

Trong đoạn phỏng vấn, người viết gọi đó là "một tầm nhìn bao quát, sâu sắc về internet”. Bức tranh rực rỡ về tương lai của Metaverse khiến mọi người phải trầm trồ, nhưng thực tế công nghệ đã không diễn ra như mong đợi. 

 Mark Zuckerberg. (Ảnh: Getty).

Một cuộc phỏng vấn thực tế ảo được kỳ vọng sẽ hấp dẫn giữa MC đài CBS, Gayle King, và Zuckerberg diễn ra trong bối cảnh chất lượng tệ hại. Hình đại diện của cả hai có chất lượng thấp khủng khiếp và hai người nói chuyện bằng các ký hiệu hình thể vụng về. Khung cảnh hoàn toàn trái ngược với quảng cáo của Meta.

Trong khi đó, Zuckerberg vẫn say mê làm thơ về Metaverse, ca ngợi đây là "tầm nhìn bao trùm nhiều công ty" và "sự kế thừa của internet di động”. Nhưng ông đã thất bại trong việc trình bày các vấn đề kinh doanh cơ bản mà Metaverse sẽ giải quyết. 

Khái niệm về thế giới ảo nơi người dùng tương tác với nhau bằng hình đại diện kỹ thuật số là một mô hình không mới. Nó xuất hiện từ cuối những năm 90, với các trò chơi nhập vai trực tuyến nhiều người chơi như: ”Meridian 59”, "Ultimate Online" và "EverQuest". Trong khi đó, vũ trụ ảo của Zuckerberg yêu cầu người dùng phải sử dụng bộ tai nghe Oculus cực kỳ cồng kềnh.

Người dẫn chương trình của CNBC, Jim Cramer, gật đầu tán thành khi Zuckerberg tuyên bố rằng 1 tỷ người sẽ sử dụng Metaverse và chi hàng trăm đô la ở đó, mặc dù Giám đốc điều hành Meta không thể nói lý do vì sao người dùng lại muốn đeo một chiếc kính cồng kềnh, tai nghe,… để tham dự một buổi hoà nhạc chất lượng thấp.

Sự phóng đại và chạy theo của cả giới công nghệ

Việc không thể xác định Metaverse sẽ trở thành điều gì, đã không cản trở nó vươn lên dẫn đầu thế giới kinh doanh. Trong những tháng sau thông báo của Meta, dường như mọi công ty đều có sản phẩm Metaverse được cung cấp, mặc dù không rõ sản phẩm đó là gì hoặc tại sao họ nên làm như vậy.

Giám đốc điều hành Microsoft, ông Satya Nadella sẽ phát biểu tại Hội nghị Ignite năm 2021 của công ty rằng không thể nhận ra mức độ đột phá mà Metaverse mang lại cho công ty hay ngành công nghiệp và thế giới. 

Roblox - một nền tảng trò chơi trực tuyến dựa trên vũ trụ ảo, xuất hiện từ năm 2004, đã thúc đẩy làn sóng cường điệu của Metaverse trong đợt IPO đầu tiên và được định giá 41 tỷ USD. Ngay cả những doanh nghiệp dường như ít liên quan đến công nghệ cũng tham gia. Walmart đã tham gia Metaverse và Disney cũng tham gia Metaverse.

 Metaverse. (Ảnh: Facebook).

Bất chấp nỗi ám ảnh của Zuckerberg với Metaverse, công nghệ này chưa bao giờ đáp ứng được những kỳ vọng của công chúng. Việc các công ty vội vàng tham gia vào xu hướng này đã khiến các nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn và nhà phân tích ở Phố Wall cố gắng đưa ra dự đoán của nhau về sự tăng trưởng của Metaverse. 

Công ty tư vấn Gartner tuyên bố rằng 25% mọi người sẽ dành ít nhất một giờ mỗi ngày cho Metaverse vào năm 2026. Tờ The Wall Street Journal cho biết Metaverse sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc mãi mãi.

Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey đã dự đoán rằng Metaverse có thể tạo ra giá trị lên tới “5.000 tỷ USD", đồng thời cho biết thêm rằng khoảng 95% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng Metaverse sẽ "tác động tích cực đến ngành của họ" trong vòng 5 đến 10 năm. Không chịu thua kém, Citi đã đưa ra một báo cáo dày dặn tuyên bố Metaverse sẽ là một cơ hội trị giá 13.000 tỷ USD .

Màn sụp đổ tàn khốc

Bất chấp tất cả sự “lên đồng” này, Metaverse đã không phát triển theo đúng ý con người mong muốn. Mọi ý tưởng kinh doanh hay dự báo thị trường màu hồng đều được xây dựng dựa trên những lời hứa mơ hồ của một CEO duy nhất. Và khi mọi người thực sự có cơ hội dùng thử, không ai thực sự muốn sử dụng Metaverse lần thứ hai.

Decentraland, sản phẩm Metaverse dựa trên tiền điện tử phi tập trung chỉ có khoảng 38 người dùng hoạt động hàng ngày trong "hệ sinh thái trị giá 1,3 tỷ USD" của nó, theo một báo cáo độc lập bên thứ ba. Decentraland có thể phản đối con số này, tuyên bố rằng họ có 8.000 người dùng hoạt động hàng ngày - nhưng nếu đúng thì đó vẫn chỉ là một phần nhỏ so với số người chơi các trò chơi trực tuyến lớn như "Fortnite". 

Những nỗ lực được báo trước của Meta cũng gặp khó khăn tương tự. Đến tháng 10 năm ngoái, Mashable báo cáo rằng Horizon Worlds có dưới 200.000 người dùng hoạt động hàng tháng — thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 500.000 mà Meta đã đặt ra và The Verge nói rằng nó có nhiều lỗi đến nỗi ngay cả nhân viên của Meta cũng không muốn sử dụng . 

Bất chấp sức mạnh của một công ty trị giá hàng nghìn tỷ đô la khi đó, Meta không thể thuyết phục mọi người sử dụng sản phẩm mà công ty đã đặt cược tương lai vào đó. 

Metaverse “hấp hối” khi nền kinh tế bước vào suy thoái và xu hướng AI sáng tạo nổi lên. Microsoft đã đóng cửa nền tảng không gian làm việc ảo AltSpaceVR vào tháng 1/2023, sa thải 100 thành viên của nhóm metaverse đồng thời thực hiện một loạt cắt giảm đối với nhóm HoloLens của mình.

Disney đã đóng cửa bộ phận Metaverse vào tháng 3 và Walmart đã làm theo khi kết thúc các dự án Metaverse dựa trên Roblox. Hàng tỷ đô la được đầu tư và sự phóng đại đến nghẹt thở xung quanh một khái niệm nửa vời đã dẫn đến hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng chục nghìn người mất việc làm.

Metaverse đã chính thức kết thúc vòng đời khi Zuckerberg và Meta - công ty khởi xướng xu hướng này chuyển sang lãnh địa nhiều tiềm năng hơn với thông báo: “Khoản đầu tư lớn nhất duy nhất của Meta là thúc đẩy AI và tích hợp nó vào mọi sản phẩm” của họ.

Giám đốc công nghệ Meta, Andrew Bosworth, nói với CNBC rằng ông cùng với Mark Zuckerberg và giám đốc sản phẩm, Chris Cox, hiện đang dành phần lớn thời gian cho AI. Công ty thậm chí đã ngừng giới thiệu Metaverse cho các nhà quảng cáo, mặc dù họ đã chi hơn 100 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển.

Bài học có được rút ra?

Mặc dù ý tưởng về thế giới ảo hoặc trải nghiệm trực tuyến tập thể có thể tồn tại dưới một hình thức nào đó, nhưng Metaverse đã chết. Cái chết của Metaverse nên được ghi nhớ như một trong những thất bại lớn nhất của lịch sử ngành công nghệ.

Cây bút Ed Zitron của tờ Insider nói rằng ông không tin Mark Zuckerberg từng có bất kỳ mối quan tâm thực sự nào đến "Metaverse", bởi vì ông ấy dường như chưa bao giờ định nghĩa nó là gì ngoài một Facebook được chỉnh sửa đôi chút với hình đại diện và phần cứng cồng kềnh. 

“Đó là phương tiện để tăng giá cổ phiếu, chứ không phải là bất kỳ tầm nhìn thực sự nào về tương lai của sự tương tác giữa con người với nhau. Và Zuckerberg đã sử dụng khối tài sản khổng lồ cùng quyền lực của mình để lôi kéo toàn bộ ngành công nghệ và một phần tốt của thế giới kinh doanh Mỹ ủng hộ ý tưởng nửa vời này”, Ed Zitron viết.

“Việc Mark Zuckerberg thực sự đã rời khỏi dự án Metaverse là một bản cáo trạng gây phẫn nộ đối với tất cả những người theo dõi ông ấy và bất kỳ ai vẫn coi ông là một nhà lãnh đạo công nghệ có tầm nhìn. 

Nó cũng là nguyên nhân khiến cộng đồng đầu tư mạo hiểm phải nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề khi đã hùa theo Zuckerberg và thổi bay hàng tỷ đô la vào một xu hướng phóng đại dựa trên truyền thông. 

Trong một thế giới công bằng, Mark Zuckerberg nên bị sa thải khỏi vị trí CEO của Meta. Zuckerberg đã đánh lừa mọi người, đốt hàng chục tỷ đô la, thuyết phục một ngành công nghiệp đi theo nỗi ám ảnh viển vông của ông ta, và sau đó giết chết nó ngay khi một ý tưởng khác bắt đầu được Phố Wall quan tâm”, nhà báo tờ Insider viết thêm.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/case-study-cai-chet-cua-metaverse-va-su-len-dong-cua-ca-nganh-cong-nghe-ve-mot-the-gioi-khong-tuong-42202358221524293.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục