Thị trường chứng khoán Mỹ cắm đầu, nhà đầu tư có nên rút chân?

14:32 | 28/09/2022
Khi thị trường chứng khoán lao dốc, thường nhà đầu tư sẽ cảm thấy bất an và bán tháo tài sản, chờ đợi thời điểm phù hợp để quay lại. Tuy nhiên, chiến lược bất ổn này có thể gây hại cho danh mục trong dài hạn.

 

Bảng điện tại sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Reuters).

 

 

Khi giá cổ phiếu cắm đầu, nhà đầu tư thường sẽ bị thôi thúc làm một điều gì đó để giành lại quyền kiểm soát bức tranh tài chính của họ. Tuy nhiên, rủi ro sẽ không ngừng gia tăng nếu bạn vào/ra thị trường theo cảm xúc và điều đó sẽ chỉ làm tổn hại đến danh mục đầu tư trong dài hạn.

Đối với các nhà đầu tư đang tận mắt chứng kiến cú rơi mới nhất của thị trường chứng khoán, thật khó để ngồi yên và nhìn tiền của mình rơi qua cửa sổ. Chỉ số S&P 500 đã có 6 phiên giảm liên tiếp và đang trong vùng thị trường gấu.

Song, theo tờ Bloomberg, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tốt hơn hết là chúng ta nên vững tâm với danh mục thay vì cố gắng dự đoán diễn biến của thị trường để tính toán thời điểm mua và bán (market timing).

Trao đổi với Bloomberg, ông Doug Bellfy - nhà lập kế hoạch tài chính tại hãng tư vấn Synergy Financial Planning, đánh giá: “Market timing là [một chiến thuật đầu tư] cực kỳ khó nhằn…”

Ông cho hay, khi thị trường lao dốc 34% vào tháng 3/2020, nhiều người bán tháo cổ phiếu để trữ tiền mặt; sau đó, họ đầu tư trở lại vì tin thị trường đã phục hồi để rồi chứng kiến giá cổ phiếu tụt mạnh lần nữa vào tháng 7/2022, cuối cùng thua lỗ nặng nề.

Một số công ty đầu tư hàng đầu như Vanguard, Fidelity và Charles Schwab cũng phản đối chiến lược market timing. Dưới đây là nhận định của từng công ty:

Vanguard: Tập trung vào đường dài

Thị trường chứng khoán toàn cầu cắm đầu là điều đáng lo ngại, nhưng không thực sự là quá hiếm. Vanguard Group đã lập ra một biểu đồ, cho thấy dù một số thị trường gấu kể từ năm 1980 quả thực khá sâu, nhiều đợt phục hồi sau đó thậm chí còn lớn và kéo dài hơn.

Theo Vanguard, trong giai đoạn từ ngày 1/1/1980 đến ngày 31/12/2021, thị trường tăng giá trung bình có tỷ suất sinh lời trung bình 99% và kéo dài khoảng 852 ngày. Trong khi đó, thị trường gấu trung bình có tỷ suất sinh lời -28% và kéo dài khoảng 236 ngày.

 

 

 

Fidelity: Chi phí cơ hội bị mất

Các nhà phân tích tin rằng bỏ lỡ chỉ một vài ngày phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ cũng có thể tác động lớn đến thu nhập của nhà đầu tư.

Để củng cố phán đoán trên, Fidelity Investments đã tính toán lợi nhuận giả định của một nhà đầu tư với số vốn 10.000 USD trong hai trường hợp: giữ nguyên danh mục hoặc bỏ lỡ 5, 10, 30 và 50 ngày phục hồi mạnh nhất của thị trường kể từ ngày ngày 1/1/1980 đến ngày 30/6/2022.

Kết quả là, nhà đầu tư giữ vững danh mục (với cổ tức được tái đầu tư) kiếm được 1,1 triệu USD trước khi tính thuế phí. Trong khi đó, các nhà đầu tư bỏ lỡ 5, 10, 30 và 50 ngày phục hồi tốt nhất của thị trường có lợi nhuận thấp hơn lần lượt là 38%, 55%, 84% và 93%.

 

Charles Schwab: Canh trật thời điểm

Cố gắng chọn thời điểm hoàn hảo để trở lại thị trường có thể khiến nhà đầu tư phải trả một cái giá đắt.

Để chỉ ra con số là bao nhiêu, trung tâm nghiên cứu tài chính của Charles Schwab đã tạo ra 5 nhà đầu tư giả định, mỗi người nhận được 2.000 USD để đầu tư vào S&P 500 mỗi năm từ tháng 7/2002 đến tháng 6/2022, nhưng từng người có chiến lược khác nhau.

Nhà đầu tư chọn đúng thời điểm đã đầu tư 2.000 USD vào chỉ số S&P 500 ở mức thấp nhất mỗi năm và thu về 140.214 USD vào năm 2022. Song trên thực tế, không nhiều nhà đầu tư có thể gặp may như vậy.

Người rót tiền vào thị trường trong ngày giao dịch đầu tiên của mỗi năm có 129.865 USD - thấp hơn người đầu tiên khoảng 7,4% nhưng vẫn khá hơn ba người còn lại.

Các nhà đầu tư chia tiền thành 12 phần nhỏ để đầu tư vào đầu mỗi tháng, gặp xui xẻo khi đầu tư đúng lúc thị trường đạt đỉnh mỗi năm hoặc giữ nguyên tiền mặt đều thua thiệt hơn nhiều.

 

Ông Bellfy của Synergy Financial Planning nói: “Nếu bây giờ chuyển mọi thứ sang tiền mặt có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng thì đó có thể là điều bạn nên làm. Nhưng không may là mức độ căng thẳng khi bạn cố gắng quay trở lại thị trường còn tồi tệ hơn”.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/thi-truong-chung-khoan-my-cam-dau-nha-dau-tu-co-nen-rut-chan-42202292812950618.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục