OPEC+ giữ nguyên sản lượng dầu giữa những ẩn số từ Nga, Trung Quốc

21:55 | 04/12/2022
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh đã quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác dầu trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc cũng như nguồn cung của Nga đều trong trạng thái không chắc chắn.

EU cấm vận dầu thô của Nga. (Ảnh minh họa: Reuters).

Sau cuộc họp trực tuyến ngày 4/12, nhóm 23 quốc gia bao gồm các thành viên OPEC và đồng minh (gọi tắt là OPEC+) đã quyết định giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày được thông qua hôm 5/10, tức là mới hai tháng trước.

Theo Bloomberg, tác động của đợt cắt giảm sản lượng này vẫn chưa được xác định rõ ràng do giá dầu biến động quá mạnh khi Liên minh châu Âu (EU) quyết tâm cấm vận dầu thô của Nga.

Việc giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng sẽ cho phép OPEC+ thêm thời gian để đánh giá tác động của mức giá trần 60 USD/thùng mà nhóm các nước phát triển G7 cũng như EU áp dụng với dầu thô của Nga.

Ngoài ra, các nước thành viên EU sẽ không mua, không nhập khẩu, không vận chuyển dầu thô và chế phẩm từ dầu thô của Nga tới EU cũng như tới nước thứ ba. Lệnh cấm với dầu thô có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 và với sản phẩm lọc dầu là từ 5/2/2023.

Nếu các nước ngoài EU mua dầu thô của Nga với giá từ 60 USD/thùng trở lên thì sẽ không nhận được các dịch vụ vận tải, bảo hiểm, tái bảo hiểm từ các doanh nghiệp EU. Các biện pháp trừng phạt này khiến cho hoạt động giao dịch dầu thô của Nga trở nên rất phức tạp, kể cả với những nước không tham gia vào thỏa thuận giá trần hay cấm nhập khẩu.

Theo Wall Street Journal, một số quốc gia thành viên OPEC+ từng xem xét khả năng tăng sản lượng để lấp khoảng trống nguồn cung mà Nga để lại. Tuy nhiên giờ đây, các thành viên OPEC+ đang phải đối mặt với tình trạng giá dầu tụt dốc 13% trong một tháng qua.

Giá dầu thô Brent hiện ở mức 85,57 USD/thùng, giảm 33% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 3 khi Nga mới tấn công Ukraine.

Lệnh cấm vận với dầu Nga (một quốc gia thuộc OPEC+) không phải là biến số lớn duy nhất với thị trường năng lượng thời điểm này. Trung Quốc đang dần dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa Zero COVID giữa làn sóng phản đối của người dân trong nước sau gần ba năm áp dụng.

Liệu đất nước tỷ dân sẽ nới lỏng nhanh và mạnh đến đâu? Tác động tới nhu cầu xăng dầu sẽ lớn tới mức nào? Đó là những câu hỏi mà OPEC+ không dễ tìm được câu trả lời chính xác.

Năm 2021, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, gấp 1,5 lần Mỹ và tương đương 95% lượng nhập khẩu của toàn châu Âu. Vì vậy, những biến động trong nhu cầu của Trung Quốc sẽ có tác động lớn tới thị trường toàn cầu.

Trung Quốc nhập khẩu 629 triệu tấn dầu thô và sản phẩm lọc dầu trong năm 2021, cao hơn Mỹ 51%.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/opec-giu-nguyen-san-luong-dau-giua-nhung-an-so-tu-nga-trung-quoc-422022124214430346.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục