Những lỗi sai thuật ngữ trong báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính đã kiểm toán

10:28 | 25/02/2024
Trong kết luận kiểm tra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chỉ ra những lỗi sai thuật ngữ trong báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Từ 16/6/2023 đến 21/12/2023, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán năm 2023 tại 10 doanh nghiệp được chấp thuận kiểm toán. 

Trong kết luận kiểm tra, Uỷ ban chỉ ra những lỗi sai thuật ngữ trong báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

 Ảnh minh hoạ: Báo Kiểm toán.

Báo cáo kiểm toán

Theo Uỷ ban, kiểm toán dạng ngoại trừ nhưng câu cuối cùng tại đoạn "trách nhiệm của kiểm toán viên" lại trình bày "là cơ sở cho ý kiến kiểm toán của chúng tôi" mà chưa chuẩn hóa theo thuật ngữ "làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán ngoại trừ của chúng tôi" theo VSA số 705.

Có trường hợp kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán, nhưng nội dung tại đoạn "trách nhiệm của kiểm toán viên" trình bày chưa phù hợp theo yêu cầu tại đoạn 27 VSA 705. 

Ngoài ra còn có lỗi đánh máy phần Vấn đề cần nhấn mạnh đoạn "Không đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ", công ty đang viết là "Không đưa ra ý kiến kiểm toán loại trừ”.

Tại đoạn đầu của báo cáo kiểm toán tham chiếu không tương thích số trang trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Các vấn đề về hoạt động liên tục trình bày tại đoạn "Vấn đề khác" thay vì cần trình bày tại đoạn "Vấn đề cần nhấn mạnh".

Sử dụng thuật ngữ trên báo cáo soát xét: Có trường hợp báo cáo soát xét thông tin tài chính giữa niên độ, nhưng sử dụng cụm thuật ngữ là "cơ sở của kết luận kiểm toán ngoại trừ", "kết luận kiểm toán ngoại trừ" mà chưa chuẩn hóa theo thuật ngữ "cơ sở của kết luận ngoại trừ", "kết luận ngoại trừ" tại Chuẩn mực Việt Nam về dịch vụ soát xét số 2410.   

Báo cáo kiểm toán nhấn mạnh về "khả năng hoạt động liên tục của đơn vị" nhưng báo cáo tài chính đã được kiểm toán đính kèm không trình bày thông tin về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán viên nhấn mạnh vấn đề không có trong thuyết minh báo cáo tài chính là chưa phù hợp với quy định của VSA 706.           

Trong phần “Vấn đề cần nhấn mạnh” trên báo cáo kiểm toán chưa tham chiếu hoặc có tham chiếu chưa đầy đủ đến Thuyết minh báo cáo tài chính. Công ty kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán dạng ngoại trừ, tuy nhiên tại đoạn cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ, giá trị các khoản mục ngoại trừ chiếm tỷ lệ lớn so với tổng giá trị tài sản của đơn vị được kiểm toán.

Báo cáo tài chính được kiểm toán

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nêu một số báo cáo tài chính đã được kiểm toán chưa thuyết minh phù hợp với đặc điểm khách hàng và chế độ kế toán như: 

Tại phần cấu trúc doanh nghiệp, chưa trình bày tỷ lệ quyền biểu quyết tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết hoặc dùng thuật ngữ “tỷ lệ quyền biểu quyết” thay vì dùng cụm từ “tỷ lệ biểu quyết nắm giữ” là chưa phù hợp.

Không đề cập đến Thông tư 53/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 200/2014/TT-BTC; Phân loại công nợ phải thu, công nợ phải trả ngắn hạn, dài hạn trong đó chi tiết theo 10%.

Tại thuyết minh về điều chỉnh hồi tố, không thuyết minh lý do điều chỉnh hồi tố; Chưa thuyết minh đầy đủ và cập nhật chính sách kế toán đối với khoản mục có phát sinh, chính sách ghi nhận doanh thu chưa cụ thể cho phù hợp với các lĩnh vực đặc thù; chính sách kế toán về xử lý lỗ tính thuế được kết chuyển, thuê tài sản, lãi cơ bản trên cổ phiếu.

Chưa thuyết minh khả năng hoạt động liên tục của đơn vị trong khi đơn vị có yếu tố không chắc chắn trọng yếu ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục và kiểm toán viên nhấn mạnh trên báo cáo kiểm toán về vấn đề này.

Về thuyết minh các bên liên quan: Thuyết minh thông tin “bên liên quan khác” chưa thể hiện rõ mối quan hệ giữa đơn vị được kiểm toán với các bên liên quan. 

Một số báo cáo tài chính chỉ thuyết minh tổng thù lao, lương và thu nhập của toàn bộ Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán mà không thuyết minh chi tiết thu nhập (lương, thưởng, thù lao) của từng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban Giám đốc và người quản lý. 

Một số báo cáo tính chi thù lao của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối mà không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ là chưa phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 163 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14.

Đối với phân loại, trình bày báo cáo tài chính: Một số báo cáo trình bày, phân loại chưa phù hợp các khoản mục theo quy định của chế độ kế toán (như trình bày lẫn lộn giữa khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và khoản mục chi phí đầu tư xây dựng dở dang).           

Một số báo cáo tài chính thiếu chữ ký của người lập biểu theo quy định tại Luật Kế toán; Chưa thuyết minh địa chỉ, hoạt động chính của công ty con, công ty liên kết; Công ty TNHH nhưng thuyết minh trả cổ tức.

Báo cáo tài chính được kiểm toán ghi ngày lập và nơi lập đang trình bày ở phần người lập biểu là không phù hợp, phải được trình bày bên phải của người ký duyệt là Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc đơn vị được kiểm toán.

Có trường hợp thuyết minh cụm từ “Niêm yết tại sàn Upcom” thay vì cụm từ “Đăng ký giao dịch tại Upcom”.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/nhung-loi-sai-thuat-ngu-trong-bao-cao-kiem-toan-va-bao-cao-tai-chinh-da-kiem-toan-422024225102758672.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục