Nhà đầu tư chùn tay, giao dịch đất nền tại Lâm Đồng sụt giảm

13:47 | 30/09/2022
Không nằm ngoài xu hướng ảm đạm chung của thị trường, tình hình giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng cũng ghi nhận sụt giảm trong thời gian gần đây.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Lâm Đồng).

 

Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn gửi Sở Xây dựng tỉnh này về việc báo cáo giá bán và cho thuê nhà ở và một số loại hình bất động sản khác trên địa bàn tỉnh trong quý III/2022.

Theo đó, tính từ ngày 16/7 đến ngày 15/9/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 6.057 giao dịch đất nền thành công qua công chứng, chứng thực với tổng giá bán hơn 6.409 tỷ đồng

Trong đó, huyện Bảo Lâm dẫn đầu với 1.123 giao dịch với giá bán khoảng 765 tỷ đồng; huyện Di Linh có 1.075 giao dịch với giá bán khoảng 1.393 tỷ đồng; huyện Lâm Hà có 883 giao dịch với giá bán khoảng 509 tỷ đồng; huyện Đức Trọng có 839 giao dịch với giá bán khoảng 489 tỷ đồng; TP Đà Lạt có 605 giao dịch với giá bán khoảng 2.277 tỷ đồng,…

Với phân khúc nhà ở riêng lẻ, tính từ ngày 16/7 đến ngày 15/9/2022, toàn tỉnh có 544 giao dịch thành công qua công chứng, chứng thực, với tổng giá bán khoảng 1.976 tỷ đồng.

Dẫn đầu về số lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ tại Lâm Đồng trong hai tháng qua lần lượt là TP Đà Lạt, huyện Đức Trọng, huyện Bảo Lâm, TP Bảo Lộc,…

Trong khi đó, địa phương chỉ ghi nhận 13 giao dịch căn hộ chung cư tại TP Đà Lạt với tổng giá bán ra khoảng 14 tỷ đồng.

Quan sát từ đầu năm đến nay, tình hình giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng ghi nhận sôi động tại thời điểm giữa năm nhưng lại có xu hướng sụt giảm trong vài tháng trở lại đây. 

Cụ thể, trong quý I/2022, toàn tỉnh có 12.467 giao dịch đất nền thành công, tập trung tại huyện Lâm Hà với 3.077 giao dịch, huyện Di Linh (1.826), huyện Đức Trọng (1.648), TP Đà Lạt (1.162),... Còn phân khúc nhà ở riêng lẻ quý I chỉ ghi nhận 899 giao dịch. 

Trong quý II, toàn tỉnh có 19.669 giao dịch đất nền thành công qua công chứng với hơn 21.283 tỷ đồng. Giao dịch chủ yếu tập trung tại các điểm nóng về hiến đất, mở đường nhằm mục đích tách thửa, số lượng giao dịch. Đơn cử, huyện Lâm Hà có 4.126 giao dịch, huyện Bảo Lâm có 3.660 giao dịch, huyện Đức Trọng có 3.144 giao dịch, huyện Di Linh có 2.640 giao dịch, TP Đà Lạt có 1.398 giao dịch, TP Bảo Lộc có 1.379 giao dịch.

Song song với đó, toàn tỉnh có 1.113 giao dịch nhà ở riêng lẻ thành công qua công chứng. Trong đó, nhiều nhất là tai TP Đà Lạt với 395 giao dịch, tiếp đó là huyện Đức Trọng với 313 giao dịch, TP Bảo Lộc với 216 giao dịch.

Chưa cho tách thửa trên đất nông nghiệp

UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành, UBND các địa phương cho phép giải quyết các hồ sơ hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa nhằm mục đích kinh doanh bất động sản trên địa bàn phải đảm bảo các điều kiện liên quan.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định. Dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải đảm bảo phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

Tiếp theo, việc hình thành các tuyến đường giao thông tại khu vực hiến đất làm đường phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định hiện hành có liên quan và phải được cấp phép xây dựng theo quy định.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế.

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý việc phân lô, tách thửa trên địa bàn tỉnh; việc phân lô, tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất vừa phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất vừa phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng nhằm khắc phục triệt để tình trạng phân lô, bán nền không phù hợp giữa các quy hoạch trong thời gian qua.

Sở Tư pháp có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý nhà nước về công chứng, chấp hành nghiêm quy định quản lý trong hoạt động công chứng văn bản liên quan đến hợp đồng kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản,...

Như vậy, sau một thời gian tạm dừng, tỉnh Lâm Đồng đã cho phép việc hiến đất mở đường được triển khai trở lại. Tuy nhiên, văn bản này chỉ mới nhắc đến việc hiến đất mở đường để hình thành khu dân cư, nhà ở và không nhắc đến việc hiến đất mở đường trên đất nông nghiệp. 

Trước đó, ngày 20/1, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản về việc tạm dừng tạm dừng việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

Văn bản này ban hành trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh có một số trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhưng thực chất là hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, giao dịch tương tự các dự án bất động sản. 

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/nha-dau-tu-chun-tay-giao-dich-dat-nen-tai-lam-dong-sut-giam-422022930114354166.htm

Cùng chuyên mục