Nếu Fed tăng hoặc giữ nguyên lãi suất trong tuần này, lợi - hại ra sao?

17:06 | 21/03/2023
Fed tăng lãi suất có thể khiến nhà đầu tư bất an, nhưng nếu giữ nguyên lãi suất thì cũng chưa chắc thị trường sẽ cảm thấy yên tâm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images). 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra quyết định lãi suất vào ngày 22/3. Đây là một trong những lần hiếm hoi thị trường không chắc chắn về dự định của Fed.

Ông Jim Bianco, Chủ tịch công ty nghiên cứu Bianco Research, chỉ ra rằng kể từ năm 2008, các quan chức Fed đã hoàn thành tốt việc gợi ý cho thị trường về những gì ngân hàng trung ương Mỹ sẽ làm tại mỗi cuộc họp kế tiếp, ít nhất là về vấn đề lãi suất.

Trong khoảng thời gian từ 10 đến hai ngày trước cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), kịch bản mà thị trường phản ánh vào giá luôn luôn trở thành hiện thực, ông Bianco cho biết.

Nhưng cuộc họp của FOMC trong tuần này thì khác bởi nó diễn ra không lâu sau sự suy sụp bất ngờ của ba ngân hàng khu vực tại Mỹ. Thị trường quốc tế cũng có xáo trộn mạnh khi Credit Suisse bị bán cho đối thủ lâu năm của mình là UBS.

Hiện tại, thị trường nhận thấy có 73% khả năng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) và 27% các quan chức giữ nguyên lãi suất, theo công cụ CME FedWatch. Theo tờ MarketWatch, các nhà phân tích cho biết thị trường có vẻ ngày càng tự tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất.

Quyết định của Fed sẽ được công bố vào hai giờ chiều ngày 22/3 (giờ địa phương), theo sau là buổi họp báo của Chủ tịch Jerome Powell.

Bất luận Fed tăng lãi suất hay giữ nguyên lãi suất, động thái của ngân hàng trung ương Mỹ đều có lợi ích và bất cập riêng. 

Kịch bản giữ nguyên lãi suất

Hệ thống ngân hàng đang gặp căng thẳng và đây là cơ sở chính để Fed tạm ngừng chu kỳ tăng lãi suất.

Trong lưu ý gửi khách hàng hôm 21/3, ông Jan Hatzius, kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, viết: “Các nhà hoạch định chính sách đã hành động quyết liệt để củng cố hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, thị trường có vẻ chưa hoàn toàn tin tưởng rằng nỗ lực gần đây của Fed trong việc hỗ trợ các ngân hàng vừa và nhỏ là đủ để kiểm soát tình hình.

Do đó, chúng tôi cho rằng các quan chức Fed sẽ có cùng quan điểm, rằng căng thẳng trong hệ thống ngân hàng là mối lo cấp bách nhất hiện nay”.

Ông William Dudley, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York, cho biết ông ủng hộ việc Fed ngừng tăng lãi suất để “không gây hại” cho hệ thống tài chính.

Ngược lại, những người phản đối kịch bản giữ nguyên lãi suất cho rằng động thái này có thể gây ra thêm lo ngại về hệ thống ngân hàng.

Ông Roger Ferguson, cựu Phó Chủ tịch Fed, chia sẻ ý kiến trong cuộc phỏng vấn hôm 20/3: “Tôi cho rằng nếu ngừng tay, Fed sẽ phải giải thích chính xác những gì họ đang chứng kiến, điều gì khiến họ lo ngại. Tôi không chắc rằng việc Fed tạm dừng tăng lãi suất sẽ giúp thị trường thấy yên tâm hơn”.

Kịch bản tăng lãi suất 25 bps

Mặt khác, một số nhà phân tích cho rằng Fed nên tăng lãi suất thêm 25 bps lên phạm vi 4,75-5% để thể hiện sự tự tin của mình.

Ông Max Kettner, trưởng bộ phận chiến lược đa tài sản tại HSBC, nhìn nhận: “Những gì chúng ta cần từ các nhà hoạch định chính sách là sự vững vàng. Chúng ta không muốn thấy họ phản ứng thái quá, thay đổi liên tục ý kiến hay dự báo”.

Theo ông, Fed nên nhấn mạnh rằng họ không hề lung lay lòng tin và “có thể tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát”.

Ông Oren Klachkin, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics, đánh giá rằng “các biến cố ngân hàng gần đây không thể hiện rủi ro hệ thống tới hệ thống tài chính và nền kinh tế”. Ông lưu ý “lạm phát vẫn còn cao” và Fed có nhiều biện pháp để giảm căng thẳng cho các ngân hàng tốt hơn là lãi suất.

Ngược lại, những người phản đối tăng lãi suất cho rằng việc này có thể khuếch đại nỗi lo về sự ổn định của ngành ngân hàng.

Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, đặt câu hỏi: “Nếu tăng lãi bây giờ, Fed có thể sẽ cần phải nhanh chóng đảo ngược chính sách để đối phó với thiểu phát và suy thoái kinh tế. Vì sao Fed lại cần tăng lãi suất trong khi họ có thể buộc phải giảm lãi suất sớm hơn nhiều dự đoán trước đó?”

Ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY, nghĩ rằng hoạt động kinh tế đang chậm lại và điều đó cho Fed thêm thời gian. Ông chỉ ra: “Fed không cần vội vã tăng lãi suất. Các quan chức có ngừng nghỉ một chút thì cũng không gây ra siêu lạm phát”.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/neu-fed-tang-hoac-giu-nguyen-lai-suat-trong-tuan-nay-loi-hai-ra-sao-422023321152817543.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục