Lợi nhuận quý IV/2022 phục hồi, PVD vẫn ko thể thoát lỗ cả năm

14:51 | 31/01/2023
Lợi nhuận quý IV/2022 của PVD phục hồi nhờ đơn giá cho thuê và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu tăng so với cùng kỳ. Dù vậy cả năm 2022, PVD vẫn không thể thoát lỗ do kết quả của ba quý trước đó.

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD) cho thấy doanh thu thuần đạt 1.458 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng 7,5% lên 53 tỷ đồng.

PVD cho biết, kết quả trên có được nhờ đơn giá cho thuê và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu tăng so với cùng kỳ và đóng góp doanh thu của giàn khoan PV DRILLING VI đang thực hiện chiến dịch khoan tại Brunei. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 10,1% cùng kỳ lên 17,9% quý này.

 

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của PVD đạt 5.431 tỷ, tăng 36% so với năm 2021. Công ty lỗ sau thuế 151 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 37 tỷ.

Năm 2022, PV Drilling đặt kế hoạch doanh thu 4.700 tỷ đồng và không đưa kế hoạch lợi nhuận. Như vậy công ty đã vượt 16% chỉ tiêu doanh thu năm.

Theo dự báo của Chứng khoán Bảo Việt, với việc triển vọng dịch vụ khoan và cho thuê giàn khoan trên thế giới được dự báo sẽ có sự tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, được hỗ trợ bởi yếu tố giá cho thuê và tỷ suất sử dụng gia tăng, kết quả kinh doanh của PVD trong những năm tới sẽ có sự khởi sắc, phục hồi tích cực.

Theo công bố, PV Drilling đã chốt các hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan giàn PV Drilling I, II, VI cho năm 2023.

Chia sẻ từ phía doanh nghiệp, giá cho thuê các giàn tự nâng của PVD tăng trưởng từ mức bình quân 61.000 USD/ngày trong năm 2022 lên ít nhất 75.000 USD/ngày (có thể cao hơn) trong năm 2023. Đồng thời, tỷ suất hoạt động các giàn khoan của PVD trong năm 2023 sẽ có sự cải thiện so với năm 2022.

Được sự hỗ trợ tích cực đến từ việc giá cho thuê giàn khoan bình quân tăng 23% và tỷ suất hoạt động của các giàn khoan có sự cải thiện so với năm 2022, doanh thu của PVD trong năm 2023 được dự báo sẽ đạt 6.906,6 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt 1.087 tỷ đồng.

Đối với câu chuyện tỷ giá, việc FED được dự báo sẽ ngừng đà tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023 và có thể đảo chiều chính sách trong nửa còn lại của năm, kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đối với chi phí tài chính của PVD. Năm 2022, chi phí lãi vay của PVD ở mức 168 tỷ, tăng 54% so với năm 2021.

 Nguồn: BCTC quý IV/2022 của công ty. 

Tính đến hết năm 2022, quy mô tài sản của PVD ở mức 20.680 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm, chiếm phần lớn là tài sản cố định. Công ty sở hữu 2.368 tỷ đồng tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng.

Công ty còn ghi nhận 169 tỷ đồng nợ xấu, đa số đến từ công ty KrisEnergy Cambodia Company Limited.

Tính đến hết năm 2022, nợ vay của PVD ở mức 3.834 tỷ, phần lớn là nợ vay dài hạn, chiếm 58% nợ phải trả, trong đó nợ đến hạn trả là 760 tỷ đồng.

Tính riêng quý IV/2022, với lượng tiền gửi hơn 2.300 tỷ đồng nói trên, công ty chỉ lãi gần 12 tỷ đồng. Trong khi đó phải trả chi phí lãi vay xấp xỉ 61 tỷ.

Vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ là 14.082 tỷ đồng, bao gồm 5.563 tỷ đồng vốn góp, quỹ đầu tư hơn 3.590 tỷ đồng.

Những tháng cuối năm 2022, nhóm quỹ Dragon Capital liên tục mua vào cổ phiếu PVD với số lượng hơn 4 triệu cổ phiếu. Gần nhất, ngày 30/12, nhóm này mua vào 1,1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu tại PVD từ 10,99% lên 11,19% vốn điều lệ. Cũng giai đoạn này, cổ phiếu PVD ghi nhận nhiều phiên tăng điểm. Hiện PVD đang giao dịch quanh vùng giá 21.000 đồng/cp, tăng 61% so với mức đáy ghi nhận giữa tháng 11 năm ngoái.

 Diễn biến giá cổ phiếu PVD. (Nguồn: TradingView).

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/loi-nhuan-quy-iv2022-phuc-hoi-pvd-van-ko-the-thoat-lo-ca-nam-422023131114222168.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục