Lô trái phiếu của Credit Suisse trở thành giấy vụn, đe doạ một thị trường quy mô hơn 250 tỷ USD

15:47 | 21/03/2023
Việc lô trái phiếu AT1 trị giá hơn 17 tỷ USD của Credit Suisse bị xoá sổ sau khi nhà băng này được đổi thủ UBS mua lại đang khiến nhà đầu tư băn khoăn và e ngại.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Trái phiếu AT1 đầy rủi ro

Hồi cuối tuần qua, dưới sự dàn xếp của các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương Thụy Sỹ, UBS đã đồng ý mua lại đối thủ đang chìm trong khủng hoảng là Credit Suisse với giá 3 tỷ CHF (khoảng 3,25 tỷ USD).

Thương vụ mua lại này sẽ xoá sổ các lô trái phiếu rủi ro nhất của Credit Suisse, khiến các nhà đầu tư trên một thị trường trái phiếu trị giá hơn 250 tỷ USD lo lắng không yên, tờ Wall Street Journal cho hay.

Trong một tuyên bố hôm 19/3, Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính Thụy Sỹ (FINMA) cho biết khoảng 16 tỷ CHF (tương tương 17,3 tỷ USD) trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của Credit Suisse sẽ bị xoá sổ.

Thị trường trái phiếu AT1 tại châu Âu và châu Á đã đồng loạt đi xuống trong phiên 20/3. Một trong các lô trái phiếu do HSBC phát hành sụt 8%. Các quỹ ETF giao dịch trên thị trường cũng chịu ảnh hưởng.

Trái phiếu AT1 - hay trái phiếu chuyển đổi dự phòng (CoCo) - xuất hiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, là một công cụ để chuyển rủi ro của hệ thống ngân hàng từ người nộp thuế sang các trái chủ.

Chúng cũng dần trở thành một sản phẩm đầu tư phổ biến. Các hãng quản lý tài sản và ngân hàng, bao gồm Credit Suisse, chào mời khách hàng rằng AT1 là lựa chọn tương đối an toàn để tăng lợi nhuận cho danh mục trái phiếu.

Theo ghi nhận của Wall Street Journal, các ngân hàng châu Âu rất ưa thích phát hành trái phiếu AT1 vàCredit Suisse là một trong những tổ chức phát hành lớn nhất trên thị trường này.

Dù chi phí lãi vay (và rủi ro) của AT1 cao hơn trái phiếu truyền thống, các điều khoản bảo lãnh liên quan đến loại tài sản này đã trấn an các nhà quản lý rằng hệ thống ngân hàng có đủ bộ đệm vốn để xoay xở nếu bất trắc xảy ra.

Xét trên góc độ tài chính, AT1 đã trở thành một công cụ huy động vốn dễ chịu hơn so với việc phát hành cổ phiếu thông thường.

Trong nhiều năm qua, triển vọng cổ phiếu ngân hàng tại châu Âu không mấy sáng sủa, khiến việc phát hành cổ phiếu mới có thể gây hại cho các cổ đông hiện tại, pha loãng cổ phần của họ.

Tuy nhiên, những người mua trái phiếu AT1 luôn đối mặt với rủi ro chịu lỗ vĩnh viễn, tức là trái phiếu trở thành mớ giấy lộn như trong trường hợp của Credit Suisse vì giá trị của chúng đã bị đưa về 0.

Trong trường hợp khác, nếu tỷ lệ vốn của ngân hàng phát hành giảm xuống một mức nào đó, trái phiếu AT1 sẽ được chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu. Lúc này, giá trị của lô trái phiếu rõ ràng sẽ bị suy giảm.

Thắc mắc của nhà đầu tư

Quyết định xoá sổ lô trái phiếu AT1 của Credit Suisse đã khiến nhà đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi. Trong đó, họ băn khoăn rằng tại sao các trái chủ bị bỏ rơi trong các cổ đông thì không.

“Vấn đề gây sốc là có vẻ những người nắm giữ cổ phần có thể dễ dàng vực dậy hơn các trái chủ trái phiếu AT1”, ông Justin D’Ercole - đồng sáng lập quỹ ISO-MTS Capital Management - bày tỏ.

Thua lỗ từ trái phiếu AT1 của Credit Suisse có thể khiến các nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân bán ra chứng khoán nợ của các ngân hàng châu Âu khác, vị chuyên gia cảnh báo.

Thông thường, các trái chủ không phải là những người đầu tiên chịu lỗ, mà là các cổ đông, tương tự như những gì Credit Suisse từng trình bày. Song, vụ trái phiếu của Credit Suisse là một trường hợp ngoại lệ.

Theo các điều khoản trong thoả thuận giữa hai nhà băng Thụy Sỹ, những người nắm giữ trái phiếu AT1 của Credit Suisse sẽ không nhận được gì, trong khi các cổ đông sẽ được chia cổ phiếu UBS, tổng giá trị khoảng 3 tỷ CHF.

Ông Jérôme Legras, đối tác quản lý tại quỹ Axiom Alternative Investments, nhận xét: “Mọi người đều biết trái phiếu AT1 là một công cụ rủi ro. Tôi không nghĩ thị trường sẽ choáng váng đến vậy nếu cả trái chủ lẫn cổ đông đều trắng tay”.

Rạn nứt trên thị trường

Theo dữ liệu từ công ty Lazard Frères Gestion, có khoảng 254 tỷ USD trái phiếu AT1 đang lưu hành trên thị trường toàn cầu và đây là loại chứng khoán nợ được giao dịch tích cực nhất của các ngân hàng vì quy mô lớn của chúng tôi.

Lợi nhuận hấp dẫn của trái phiếu AT1 đã thu hút nhà đầu tư nhảy vào thị trường này trong phần lớn thập kỷ qua, khi lãi suất chuẩn duy trì ở mức thấp, kéo lợi suất của hầu hết trái phiếu đi xuống.

“Thị trường CoCo tạo ra tỷ suất sinh lời khoảng 3,62% [một năm]”, các nhà quản lý danh mục tại bộ phận đầu tư của Credit Suisse viết trong một báo cáo hồi tháng 1/2021.

“Các trái phiếu trả lợi nhuận cao của châu Âu cũng chỉ đạt tỷ suất sinh lời khoảng 2,88%. Vì vậy, chúng tôi vẫn nhìn thấy lợi ích và giá trị của trái phiếu AT1”, họ nhấn mạnh.

Tháng 8/2020, nhu cầu đối với trái phiếu AT1 từng rất lớn, đến mức khi Credit Suisse phát hành lô trái phiếu với lãi suất 5,625%, lượng mua cao hơn lượng phát hành và nhà băng này có thể thương lượng hạ lãi suất xuống mức 5,25%, theo CreditSights.

Invesco, một công ty lớn về quản lý tài sản tại Mỹ, đã ra mắt một quỹ ETF tập trung vào trái phiếu AT1 vào năm 2018. Quy mô của quỹ này đã tăng lên khoảng 1,2 tỷ USD, theo dữ liệu từ Morningstar.

Các nhà quản lý quỹ cho rằng, việc lô trái phiếu AT1 của Credit Suisse trở thành giấy vụn có thể ảnh hưởng nặng nề đến nhu cầu của nhà đầu tư đối với loại trái phiếu này. Vụ việc cũng sẽ siết chặt hoạt động cho vay của các ngân hàng.

Sau cùng, các ngân hàng có thể sẽ phải tiêu tốn rất nhiều để phát hành trái phiếu AT1. Điều đó sẽ ngăn cản họ thực hiện các khoản vay mới, ông D’Ercole cho hay. “Điều này đồng nghĩa rằng các ngân hàng sẽ phải điều hành bảng cân đối kế toán nhỏ hơn”, ông nói.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/lo-trai-phieu-cua-credit-suisse-tro-thanh-giay-vun-de-doa-mot-thi-truong-quy-mo-hon-250-ty-usd-422023321154214174.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục