Giám đốc Yuanta Việt Nam: ‘Đừng tin những gì Fed nói, bức tranh toàn cầu xấu nhưng Việt Nam đỡ tiêu cực hơn’

08:17 | 23/09/2022
Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng bức tranh toàn cầu khá xấu, nhưng bức tranh của Việt Nam đỡ tiêu cực hơn, vẫn ổn hơn.

Chiều 21/9 theo giờ Mỹ (tức rạng sáng 22/9 theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thông báo tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản, đồng thời thể hiện quyết tâm sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhằm khống chế lạm phát. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) chiều 22/9 thông báo nâng trần lãi suất huy động kỳ hạn 1-6 tháng từ 4% lên 5%, lãi suất tái cấp vốn từ 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 3,5% và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 5% lên 6%.

 

"Những lần tăng lãi suất tiếp theo của Fed dự báo sẽ nhẹ hơn"

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam nhắc lại quan điểm trong giới đầu tư: “Đừng tin những gì Fed nói hãy nhìn vào những gì Fed hành động”. Nghĩa là dự báo của Fed chỉ mang tính tham khảo, chưa chắc họ đã hành động theo như vậy.

Ông phân tích có hai tiêu chí để Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất, đó là sức khỏe của nền kinh tế, cụ thể là tỷ lệ thất nghiệp và yếu tố thứ hai là lạm phát.

Fed đang rất coi trọng việc kiểm soát lạm phát. Sắp tới dự báo về lạm phát là yếu tố chính để Fed có quyết định tăng lãi suất hay không

“Fed nhận định kinh tế sẽ có thể xấu đi, đây là lo ngại của Fed khi tăng lãi suất quá nhanh quá mạnh, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trước đó Fed đã rất lạc quan vào thời điểm đầu năm. Vì thế dự báo của Fed không phải là điều chắc chắn và có thể thay đổi”, ông nói.

Ông Minh cho rằng tình hình lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, không căng thẳng như trước. Vào đầu năm 2023, lạm phát sẽ còn lắng dịu và tình hình sẽ ổn hơn nhờ giá khí đốt dự báo tiếp tục giảm góp phần làm giảm lạm phát.

Ngoài ra, lạm phát dự báo hạ nhiệt còn do cầu yếu, một số chi phí tăng lên, chi tiêu tiêu dùng giảm rất tới lạm phát chung yếu đi rất nhiều.

“Nhưng về cơ bản Fed vẫn tăng lãi suất, Fed đã đặt ra mục tiêu mức lãi suất năm 2023, từ 4% lên 4,6%. Có thể Fed sẽ tăng lãi suất lên đến mức 4,6%, có tăng lên tiếp hay không phụ thuộc vào tình hình lạm phát.

Từ nay đến thời điểm đó Fed sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất chưa thể dưng lại được, tuy nhiên những lần sau đó có thể nhẹ hơn, có thể là 50 điểm cơ bản rồi hạ dần xuống 25 điểm cơ bản”, đại diện Yuanta Việt Nam nhận định.

"Lãi suất của Việt Nam không có độ nhạy tương đồng với lãi suất của thế giới"

Việc Fed tăng lãi suất tất nhiên ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Việt Nam là nước xuất khẩu nên khu vực này sẽ bị ảnh hưởng, xuất khẩu cũng ít nhiều chịu tác động. Lãi suất tăng lên cũng làm USD mạnh lên, ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND.

“Lạm phát cao vẫn khiến cho sức cầu thời gian tới yếu đi, trong khi đó nước ta phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Trong thời gian tới kinh tế còn chịu ảnh hưởng bởi việc lãi suất tăng”, ông nói.

Tác động thứ hai ông đề cập đến là việc đầu tư của các nước mới nổi vào thị trường cận biên. Thời gian vừa rồi khi tỷ giá tăng lên có thể thấy nước ngoài bán ròng rất nhiều trên thị trường chứng khoán và đặc biệt là việc đầu tư vào nhóm các thị trường mới nổi cũng gặp khó khăn hơn.

“Các quỹ đầu tư trên thế giới hiện có xu hướng rút tiền về và nắm giữ USD. Vì thế trạng thái bán ròng còn diễn ra nữa, chưa thể kết thúc giai đoạn này, đặc biệt là các thị trường mới nổi có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn giai đoạn trước, thị trường cận biên có thể đỡ hơn”, ông Minh dự báo và cho rằng tình hình hiện tại tương đối giống giai đoạn 2018-2019, Fed tăng lãi suất khiến USD tăng, dẫn đến dòng vốn rút ra khỏi thị trường mới nổi.

 

Nói thêm về ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, theo ông Minh, việc Fed tăng lãi suất chắc chắn sẽ tác động đến lãi suất của Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp huy động vốn từ trái phiếu quốc tế lại càng chịu ảnh hưởng nặng hơn nữa. Ngoài ra, nợ công của Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, chi phí vốn của nền kinh tế cũng bị tăng lên, không còn vốn rẻ như năm 2020, 2021. Do đó những lĩnh vực rủi ro cao sẽ không còn độ hấp dẫn, không hút được dòng tiền nữa, sẽ có khuynh hướng tìm đến những kênh tài sản an toàn hơn ví dụ như tiết kiệm, trái phiếu. Như vậy có thể thay đổi khẩu vị đầu tư của nhà đầu tư trong nền kinh tế.

Tuy nhiên ông Minh dự báo thị trường Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng nặng nề do lạm phát vẫn có thể kiểm soát trong mức 4-4,5%.

Hơn nữa, lãi suất của nước ta không có độ nhạy tương đồng với lãi suất của thế giới, tất nhiên khi Fed tăng lãi suất, Việt Nam sẽ tăng theo nhưng mức tăng ít hơn thế giới. Tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục tăng lên tuy nhiên nước ta vẫn có nguồn dự trữ để có thể kiểm soát được.

“Tình hình vĩ mô ổn định, đảm bảo được lạm phát thấp và tăng trưởng, sức khỏe VND vẫn rất tốt, tốt hơn nhiều so với nước khác”, ông nói về những yếu tố tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có chiến thuật phân tán rủi ro, ví dụ vừa vay nợ bằng USD, yen, Euro sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn, nếu vay hoàn toàn bằng USD sẽ khó khăn hơn. 

 

Đại diện Yuanta Việt Nam cũng dẫn thống kê cho thấy những chu kỳ tăng lãi suất của Fed thường ảnh hưởng nặng nề nhất lên thị trường chứng khoán (TTCK) ở những lần đầu, như thời điểm tháng 4 vừa qua, kéo dài đến tháng 5, tháng 6.

Vì thế ông Minh cho rằng những lần tăng kế tiếp sẽ có mức độ tác động vào TTCK ít hơn giai đoạn trước bởi nhà đầu tư đã thích nghi với điều đó, họ chấp nhận rằng Fed đã vẽ bức tranh tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023.

“Nhìn chung bức tranh toàn cầu khá xấu, nhưng bức tranh của Việt Nam đỡ tiêu cực hơn, vẫn ổn hơn”, Giám đốc Yuanta Việt Nam nhận định. 

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/giam-doc-yuanta-viet-nam-dung-tin-nhung-gi-fed-noi-buc-tranh-toan-cau-xau-nhung-viet-nam-do-tieu-cuc-hon-4220229237323812.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục