Giải Nobel và những con số nổi bật trong 121 năm lịch sử

12:34 | 04/10/2022
Đầu tháng 10 là thời gian trao giải Nobel. Trong 6 ngày, 6 gương mặt sẽ được vinh danh và gia nhập hàng ngũ những nhà khoa học, nhà văn, nhà kinh tế và nhà lãnh đạo vì nhân quyền ưu tú nhất thế giới.

  Giải thưởng Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901, 5 năm sau khi ông Alfred Nobel qua đời.  (Ảnh: AP)

Mùa giải Nobel năm nay bắt đầu vào ngày 3/10 với việc công bố chủ nhân giải thưởng trong lĩnh vực y sinh học, sau đó là vật lý vào ngày 4/10, hóa học vào ngày 5/10, văn học vào ngày 6/10. Giải Nobel Hòa bình 2022 sẽ được công bố vào 7/10 và giải thưởng kinh tế vào ngày 10/10. 

“Cha đẻ” của giải Nobel 

Các giải thưởng về y học, vật lý, hóa học, văn học và hòa bình được xây dựng dựa trên di nguyện của ông Alfred Nobel, một nhà công nghiệp Thụy Điển giàu có và là người phát minh ra thuốc nổ. Giải thưởng Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901, tức là 5 năm sau khi ông Alfred Nobel qua đời. 

Ông Alfred Nobel đã để lại phần lớn tài sản của mình với hơn 31 triệu krona Thụy Điển (SEK) để xây dựng Quỹ Nobel và đầu tư vào “chứng khoán an toàn”. Số tiền mà Nobel để lại hiện có giá trị khoảng 1.702 SEK, tương đương 154 triệu USD. Lợi nhuận từ các khoản đầu tư sẽ được chia hàng năm cho những người đã mang lại lợi ích lớn cho nhân loại trong năm trước đó.

Năm 2022, mỗi giải thưởng Nobel có trị giá 10 triệu SEK (gần 900.000 USD) sẽ được trao tặng cùng một tờ chứng nhận và tấm huy chương vàng vào ngày 10/12 - ngày mất của ông Nobel. 

Giải thưởng trong lĩnh vực kinh tế, còn được biết đến với tên gọi chính thức là Giải thưởng Khoa học Kinh tế tưởng nhớ Alfred Nobel, do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đưa ra vào năm 1968. 

Theo quy chế của Quỹ Nobel, số tiền thưởng có thể được chia đều cho hai công trình đều xứng đáng được giải thưởng. Trong trường hợp tác phẩm nhận giải do hai hoặc ba tác giả cùng đóng góp, giải thưởng sẽ được vinh danh chung. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, giải thưởng không được chia cho nhiều hơn ba người. 

Từ năm 1974, quy chế của Quỹ Nobel quy định rằng giải thưởng sẽ không được trao cho người đã mất, trừ khi người vinh danh mất sau khi giải Nobel được công bố. 

Những con số thống kê 

Từ năm 1901 đến năm 2021, có tổng cộng 609 lần trao giải Nobel và giải thưởng về khoa học kinh tế, với 947 cá nhân và 28 tổ chức nhận giải. Nếu không tính số ít cá nhân và tổ chức được vinh danh nhiều hơn một lần, có tổng cộng 943 cá nhân và 25 tổ chức nhận được giải Nobel. Trong cùng giai đoạn, có 58 lần phụ nữ được vinh danh. 

Kể từ khi bắt đầu, có một số năm giải Nobel không được trao, đa phần trong số đó rơi vào Thế chiến thứ nhất (1914-1918) và Thế chiến thứ hai (1939-1945). Theo quy chế của Quỹ Nobel, nếu không có tác phẩm nào đạt đủ điều kiện để nhận giải, số tiền thưởng sẽ được bảo lưu cho đến năm sau. Nếu năm sau, giải thưởng vẫn không được trao, số tiền sẽ được chuyển lại cho quỹ. 

Những lĩnh vực không được trao giải qua các năm: 

Vật lý: 1916, 1931, 1934, 1940, 1941, 1942 

Hóa học: 1916, 1917, 1919, 1924, 1933, 1940, 1941, 1942 

Sinh học hoặc y học: 1915, 1916, 1917, 1918, 1921, 1925, 1940, 1941, 1942 

Văn học: 1914, 1918, 1935, 1940, 1941, 1942, 1943 

Hòa bình: 1914, 1915, 1916, 1918, 1923, 1924, 1928, 1932, 1939, 1940, 1941, 1942, 1943, 1948, 1955, 1956, 1966, 1967, 1972 

Hai người từ chối giải thưởng 

Ông Jean-Paul Sartre, được trao giải Nobel Văn học năm 1964, đã không nhận giải thưởng khi ông liên tục từ chối tất cả các danh hiệu tôn vinh chính thức.

Ông Lê Đức Thọ, được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 cùng với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger về đàm phán hiệp định hòa bình tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, ông Lê Đức Thọ nói: "Hòa bình chưa thực sự thiết lập ở miền Nam Việt Nam. Vì thế, tôi không thể nhận giải thưởng này", New York Times trích lời. 

Bốn người bị buộc phải từ chối

Trùm phát xít Adolf Hitler đã cấm ba nhà khoa học của Đức là Richard Kuhn (giải Hóa học 1938), Adolf Butenandt (Hóa học 1939) và Gerhard Domagk (Y học 1939) nhận giải. Chính quyền Liên Xô cũng buộc nhà văn Boris Pasternak từ chối giải Nobel Văn học năm 1958. 

Những người đoạt giải Nobel này bị bắt tại thời điểm trao giải.

Có ba người đoạt giải Nobel Hòa bình khi đang ngồi tù là nhà báo Đức Carl von Ossietzky (năm 1935), lãnh đạo đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi (1991) và nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (2010).

Những cá nhân và tổ chức nhiều lần nhận giải

Công trình của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã ba lần được nhận giải Nobel Hòa bình. Bên cạnh đó, người sáng lập ICRC, ông Henry Dunant, đã được trao giải Nobel Hòa bình đầu tiên vào năm 1901. 

Ông Linus Pauling, nhà khoa học người Mỹ, là người duy nhất được trao hai giải Nobel toàn phần (không phải chia sẻ với bất kỳ ai khác): Giải Nobel Hóa học năm 1954 và Giải Nobel Hòa Bình năm 1962. 

Gia đình Curies được gọi là gia đình Nobel khi hai vợ chồng và cô con gái đầu đều nhận giải, trong đó, bà Marie Curie đã được trao giải hai lần.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/giai-nobel-va-nhung-con-so-noi-bat-trong-121-nam-lich-su-422022103132253668.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục