Dow Jones rớt 458 điểm và quay lại thị trường gấu, S&P 500 về gần mức trước đại dịch

07:09 | 30/09/2022
Thị trường chứng khoán Mỹ bị bán tháo trở lại trong ngày 29/9, chỉ số S&P 500 rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020 khi nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất dù kinh tế suy thoái.

Sau nhiều tháng lao dốc, S&P 500 chỉ còn cách mức đỉnh trước đại dịch khoảng 6,7%.

Chỉ số S&P 500 mất 2,1% và đóng cửa ở 3.640 điểm, thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Chỉ số đại diện thị trường này hiện kém đỉnh lịch sử thiết lập đầu tháng 1 năm nay 24,1%, tức là đã rơi vào vùng thị trường gấu, đồng thời chỉ cao hơn mức đỉnh trước đại dịch khoảng 6,7%.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 458 điểm, tương đương 1,54%, và kết phiên ở 29.225,6 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm sâu nhất khi đi xuống 2,84% và dừng ở 10.737,5 điểm.

Dow Jones quay lại giảm sâu sau phiên hồi phục.

Trước khi lao dốc trong phiên 29/9, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trong phiên 28/9 khi nhà đầu tư phấn chấn với thông tin Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ mua trái phiếu kỳ hạn dài để ổn định các thị trường tài chính và ngăn đà giảm của đồng bảng Anh (GBP). Những ngày vừa qua, giá trị của GBP đã rơi xuống mức thấp kỷ lục và gần như ngang với USD.

CNBC dẫn lời ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS, nhận xét: “Chúng tôi không nghĩ là tâm lý bình thản trên các thị trường vào ngày 28/9 đánh dấu chấm hết cho giai đoạn biến động mạnh hay tâm lý rút khỏi tài sản rủi ro. Để đà hồi phục bền vững, nhà đầu tư cần phải thấy bằng chứng thuyết phục rằng lạm phát đang quay lại tầm kiểm soát, cho phép các ngân hàng trung ương bớt thắt chặt tiền tệ.

Đà giảm của phiên 29/9 lan rộng ở khắp mọi nhóm ngành, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Apple dẫn đầu xu thế diễn biến tiêu cực của nhóm công nghệ khi cổ phiếu “táo khuyết” bị một ngân hàng đầu tư lớn là Bank of America hạ mức khuyến nghị. Kết phiên, Apple sụt 4,9%.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ ngày 29/9, cổ phiếu năng lượng giảm ít nhất với 0,13%.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vọt lên trên mức 3,7%, cho thấy tâm lý lo sợ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục nâng mạnh lãi suất. Một ngày trước đó, lợi suất 10 năm nay có lúc vượt mốc 4% rồi quay đầu đi xuống, đánh dấu phiên giảm sâu nhất kể từ 2020.

Báo cáo về tình hình trợ cấp thất nghiệp khả quan hơn dự kiến lại khiến cho nhà đầu tư càng thêm lo lắng. Nếu thị trường việc làm phát ra tín hiệu báo động, Fed có thể sẽ phải giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ, giúp cho giá cổ phiếu có động lực đi lên.

Trái lại, thị trường lao động vững mạnh sẽ cho Fed thêm dữ địa để nâng lãi suất nhằm chống lạm phát.

Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ sáng 29/9 cho biết số người xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước (kết thúc ngày 24/4) là 193.000, giảm 16.000 so với mức đã hiệu chỉnh của tuần trước đó, đồng thời thấp hơn đáng kể so với con số 215.000 mà các chuyên gia của Dow Jones dự báo.

Đây cũng là lần đầu tiên số người xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống dưới 200.000/tuần kể từ đầu tháng 5.

Số người xin trợ cấp thất nghiệp tuần 24/9/2022 xuống mức thấp nhất 5 tháng.

Chia sẻ trên kênh CNBC ngày 29/9, bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland cho rằng lãi suất hiện nay vẫn chưa lên tới mức gây hạn chế hoạt động kinh tế và Fed cần phải hành động mạnh hơn để hạ nhiệt lạm phát.

“Lạm phát vẫn đang ở vùng cao nhất 40 năm. Vì vậy câu chuyện hiện nay là chúng ta phải làm những việc mà mình phải làm để quay lại thời kỳ bình ổn giá cả, bởi vì chúng ta không thể có một nền kinh tế khỏe mạnh và thị trường lao động vận hành tốt nếu không có giá cả ổn định”.

“Lãi suất quỹ liên bang vẫn chưa vào vùng kìm hãm hoạt động kinh tế, đúng là Fed đã nâng lãi suất thêm 300 điểm cơ bản trong năm nay, nhưng thử nhìn xem lạm phát còn cao đến đâu”, bà Mester nói thêm.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/dow-jones-rot-458-diem-va-quay-lai-thi-truong-gau-sp-500-ve-gan-muc-truoc-dai-dich-422022930765694.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục