Đỉnh lãi suất của Mỹ sẽ rơi vào đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Việt có điểm tích cực

07:21 | 04/12/2022
Theo ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư VCBF, khi kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc giảm tốc độ tăng lãi suất trở thành hiện thực và Fed có mức tăng thấp hơn cả dự đoán của nhà đầu tư và các chuyên gia thì thị trường sẽ có những điểm tích cực nhất định.

Phát biểu tại Toạ đàm "Chọn danh mục: Kỳ vọng phá vỡ xu hướng downtrend" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 2/12, ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, đà tăng lãi suất của Fed có thể hạ nhiệt xuống mức 0,5 điểm % chứ không phải 0,75 điểm % như các lần trước nữa.

Chúng ta đều thấy lạm phát của Mỹ đã giảm, nếu tính trong năm 2023 thì khoảng tháng 6, tháng 7 lạm phát của Mỹ sẽ giảm tương đối mạnh, tuy không thể về mức 2% nhưng cũng sẽ thấp hơn đáng kể so với giai đoạn hiện tại.

Ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư, VCBF (Ảnh chụp màn hình).

Thông thường lạm phát được tính bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so sánh với cùng kỳ năm trước nên phải đến tháng 6, tháng 7 năm sau, xu hướng giảm của lạm phát mới thể hiện rõ khi so với cùng kỳ năm nay, giá năng lượng ở mức khá cao đến cuối năm nay đã giảm tương đối.

Ông Duy Anh kỳ vọng đỉnh lãi suất của Fed sẽ đạt được vào đầu năm 2023 với mức 4,5% hoặc 4,75% và áp lực tăng lãi suất của Fed cho nửa cuối năm 2023 sẽ không quá nặng nề.

Lãi suất điều hành của Fed hiện ở khoảng 3,75 - 4%, có thể tiếp tục tăng lên mức 4,5% hoặc 4,75%.

Với thị trường chứng khoán, ông Duy Anh cho rằng, thị trường này luôn luôn thể hiện sự kỳ vọng và "chạy trước" các chính sách vĩ mô.

"Khi kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc giảm tốc độ tăng lãi suất trở thành hiện thực và Fed có mức tăng thấp hơn cả dự đoán của nhà đầu tư và các chuyên gia thì thị trường chứng khoán sẽ có những điểm tích cực nhất định", ông Duy Anh nhìn nhận.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích MSVN (Ảnh chụp màn hình).

Còn theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Invesment Banking (MSVN), có hai yếu tố tác động đến lãi suất của Việt Nam.

Yếu tố thứ nhất đến từ áp lực tỷ giá mà nguyên nhân sâu xa là việc Fed tăng lãi suất để đối phó với lạm phát của Mỹ. Sau báo cáo tháng 10, lạm phát đã có dấu hiệu giảm dần cho thấy chính sách tăng lãi suất của Fed phát huy hiệu quả.

Điều này cho Fed không gian điều chỉnh tiến trình tăng lãi suất với các bước tăng chậm hơn. Thị trường cũng đã phản ánh điều này khi chỉ số US Dollar Index đã có dấu hiệu giảm dần trong hai tuần gần đây, giúp áp lực tỷ giá lên VND hạ nhiệt đáng kể.

Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đô la Mỹ với 6 loại ngoại tệ mạnh khác bao gồm: euro, yen Nhật, bảng Anh, dollar Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sỹ. 

Áp lực tỷ giá lên lãi suất của Việt Nam có thể diễn ra nhanh hơn và thể hiện trong quý II/2023. Tuy nhiên, yếu tố tác động mạnh đến lãi suất năm sau lại là lạm phát. Có thể với năm nay, đây không phải là yếu tố quá nghiêm trọng nhưng năm sau, ít nhất là nửa đầu năm 2023, các cơ quan quản lý cần theo dõi rất cẩn thận.

"Năm nay, VND đã mất giá tới 8% khiến chúng ta nhập khẩu lạm phát một phần, cộng với nền so sánh của năm 2022 là năm 2021 rất tốt nhưng sang năm sau không có yếu tố đó nữa", ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành nhìn nhận, nếu đến tháng 6, lạm phát vẫn được kiểm soát trong mức cho phép là 4,5% thì sẽ có không gian cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn chính sách tiền tệ như hạ lãi suất hoặc nới room tín dụng.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/dinh-lai-suat-cua-my-se-roi-vao-dau-nam-2023-thi-truong-chung-khoan-viet-co-diem-tich-cuc-422022123174155680.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục