Đất nước nhỏ bé ẩn tàng ngành nông nghiệp khổng lồ (Phần 2): Thung lũng Hạt giống và canh tác thẳng đứng

14:30 | 29/11/2022
Các công ty Hà Lan là nhà cung cấp hạt giống cây cảnh và rau hàng đầu thế giới. Có một khu vực ở phía tây bắc nước này được gọi là Thung lũng Hạt giống, nơi các loại hoa và rau mới liên tục được phát triển.

Các công ty Hà Lan là nhà cung cấp hạt giống cây cảnh và rau hàng đầu thế giới. (Ảnh: Washington Post)

Vựa hạt giống

Một trong những công ty nổi tiếng của Hà Lan trong lĩnh vực hạt giống là Enza Zaden. Công ty này đặt trụ sở chính tại Thung lũng Hạt giống.

Trong ba thế hệ, Enza Zaden đã phát triển từ một cửa hàng hạt giống do gia đình sở hữu thành công ty dẫn đầu thế giới về ươm giống rau, với hơn 2.500 nhân viên và 45 công ty con ở 25 quốc gia.

Ông Jaap Mazereeuw, Giám đốc điều hành của Enza Zaden, cho biết công ty chi 100 triệu USD hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và giới thiệu khoảng 150 giống rau mới mỗi năm.

Ông nói: “Chúng tôi là một công ty nghiên cứu. Do tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, chúng tôi đang nghiên cứu các hạt giống cho các trang trại hữu cơ và các giống chịu mặn tốt hơn cho những vùng đất có chất lượng nước không tốt. Chúng tôi đang tìm giải pháp cho cả các hộ nông dân quy mô nhỏ đến quy mô lớn.”

Enza Zaden cung cấp hạt giống cho tất cả các vùng khí hậu, để trồng ngoài trời cũng như trong nhà.

Ông Mazereeuw nói: “Chúng tôi có trang trại trong nhà để phát triển các giống cây trong tương lai, với những cây trồng có thể phát triển nhanh và thu hoạch sớm. Công nghệ canh tác trong nhà sẽ trở nên rẻ hơn và hiện nay vẫn đang là giai đoạn đầu của ngành công nghiệp này.”

Theo thống kê, hạt giống của Enza Zaden đã được ươm trồng thành hơn 12 tỷ cây rau diếp mỗi năm. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1960, chính cây cà chua mới thực sự đưa công ty này lên bản đồ doanh nghiệp thế giới và cũng đưa cà chua Hà Lan trở thành sản phẩm nổi tiếng toàn cầu.

Cây cà chua được trồng trong các túi nhỏ và lấy chất dinh dưỡng từ nước. (Ảnh: Washington Post

Cà chua Hà Lan

Các nhà kính của Hà Lan sản xuất gần một triệu tấn cà chua mỗi năm, với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD.

Mới chỉ trải qua 25 năm phát triển, công ty trồng cà chua Agro Care của Hà Lan đã trở thành một trong những nhà sản xuất cà chua lớn nhất ở châu Âu, với diện tích 261 ha và 1.500 nhân viên.

Agro Care là một trong những công ty đầu tiên bổ sung ánh sáng tự nhiên bằng đèn nhân tạo. Cây cà chua được trồng trong các túi nhỏ và lấy chất dinh dưỡng từ nước.

Sản lượng cà chua của Agro Care đạt khoảng 90.000 tấn mỗi năm. Hiện doanh nghiệp này có cả các cơ sở trồng trọt ở Morocco và Tunisia.

Thành tựu quan trọng của Agro Care là thay đổi danh tiếng của cà chua Hà Lan khi được biết đến với những quả cà chua cứng, không có hương vị được thu hoạch khi còn xanh.

Năm 2000, Agro Care bắt đầu lắp đèn phía trên cà chua và thu hoạch khi cà chua chín hoàn toàn. Một phần tư số cà chua của công ty này được phục vụ thị trường trong nước, số còn lại được xuất khẩu sang khắp các nước châu Âu.

Để bảo vệ môi trường, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trong quá trình sản xuất của Agro Care được tái sử dụng làm chất dinh dưỡng cho cây trồng. CO2 được đưa vào nhà kính thông qua hệ thống thông gió khổng lồ, nơi loại khí thải này được cây trồng biến thành O2. Với hiệu suất lên tới 99%, lượng khí thải vào khí quyển giảm đáng kể.

Do nhu cầu sử dụng điện cao, Agro Care cũng đã cho thành lập công ty năng lượng riêng.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển của PlantLab ở Den Bosch là trung tâm canh tác thẳng đứng lớn nhất thế giới. (Ảnh: Washington Post

Canh tác trong nhà

Ông Eelco Ockers, Giám đốc điều hành của PlantLab, công ty phát triển và vận hành các trang trại trong nhà tại Hà Lan, cho biết những người nông dân sử dụng phương pháp canh tác thẳng đứng trong nhà không được hưởng năng lượng miễn phí từ mặt trời mà phải trả tiền cho ánh sáng điện, nhưng lợi ích đem lại là họ có thể dễ dàng kiểm soát các điều kiện môi trường để có được năng suất ổn định và chất lượng đảm bảo.

Được thành lập vào năm 2010, PlantLab giúp nông dân Hà Lan canh tác trong nhà bằng cách tăng năng suất bằng đèn LED vào thời điểm công nghệ này còn sơ khai. Công ty này sở hữu một hệ thống có thể cung cấp đủ cho 100.000 cư dân, mỗi người 225 gam rau tươi mỗi ngày mà chỉ cần một diện tích không lớn hơn hai sân bóng đá (tương đương một héc ta).

Đầu năm nay, PlantLab đã nhận được 50 triệu euro (khoảng 51,6 triệu USD) vốn đầu tư để mở thêm các địa điểm sản xuất bên ngoài Hà Lan nhằm trồng rau không có thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ trên quy mô lớn. Mục tiêu của công ty này là mở rộng hoạt động tại Mỹ, châu Á và châu Mỹ Latinh trong 5 năm tới, với mục tiêu có 250 mẫu trang trại thẳng đứng trên toàn thế giới trong 10 năm tới.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển của PlantLab ở Den Bosch là trung tâm canh tác thẳng đứng lớn nhất thế giới và trung tâm này sử dụng đèn LED và các khay nhựa xếp chồng lên nhau, cây trồng theo hình thức thủy canh sẽ phát triển nhờ khoáng chất có trong nước.

Ông Ockers nói: “Con người gần như không phải chạm tay vào quá trình sản xuất lẫn thu hoạch”. Hệ thống nước được luân chuyển tuần hoàn, khiến nước không bị thất thoát trong quá trình trồng trọt. Hiện tại, hệ thống này hiệu quả nhất để trồng các loại rau ăn lá, rau thơm và cà chua.

Tuy nhiên, ông Ocker cho biết dưa chuột, bí xanh và các loại quả mọng cũng phù hợp với hệ thống trồng trọt này. Bằng cách hạn chế thời gian giữa thu hoạch và tiêu thụ, chất thải thực phẩm được giảm thiểu và mức độ dinh dưỡng của rau quả cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống.

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/dat-nuoc-nho-be-an-tang-nganh-nong-nghiep-khong-lo-phan-2-thung-lung-hat-giong-va-canh-tac-thang-dung-422022112912303464.htm

Tin hàng hoá hôm nay

Cùng chuyên mục