AI có thể tạo ra nhiều kẻ thua cuộc hơn những người chiến thắng

13:47 | 03/06/2023
Theo một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Nvidia, công ty chip đầu tiên cán mốc giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD trên thế giới nhờ sự phát triển của AI, bất chấp việc Nvidia đã tỏa sáng trong thời gian qua, AI có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp trở thành "những kẻ thất bại".

Nvidia là một trong số ít các công ty sẽ duy trì đà phục hồi và tăng trưởng trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay, ngay cả khi những tiến bộ nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) “tạo ra nhiều kẻ thua cuộc hơn là người chiến thắng”, theo một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Nvidia.

Nvidia là công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon, có các ứng dụng AI hỗ trợ công nghệ bao gồm cả công cụ chatbot nổi tiếng ChatGPT. Tuần trước, Nvidia đã chính thức cán mốc giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ xô vào lĩnh vực AI.

Theo đó, Nvidia đã nhanh chóng đạt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD vào đầu phiên giao dịch ngày 30/5, qua đó chính thức gia nhập “CLB vốn hóa nghìn tỷ USD”. Giá cổ phiếu Nvidia trong phiên giao dịch ngày 30/5 luôn được giữ ở mức trên 404,86 USD/cổ phiếu.

Nhờ sự phát triển của AI, Nvidia đã cán mốc giá trị vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD. (Ảnh: FT).

Riêng với ông Jensen Huang, giám đốc điều hành của Nvidia, sự bùng nổ của AI cũng đã giúp vị tỷ phú này kiếm bộn tiền từ đầu năm 2023. Tính tới sáng 29/5, ông sở hữu khối tài sản ròng trị giá 34,9 tỷ USD, là người giàu thứ 37 thế giới, đồng thời cũng nằm trong top 10 tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất từ đầu năm. 

“Bất chấp Nvidia đã tỏa sáng trong thời gian gần đây, AI vẫn có khả năng tạo ra nhiều “kẻ thua cuộc hơn những người chiến thắng”, Rajiv Jain, người sáng lập và giám đốc đầu tư của GQG Partners, cho biết, đồng thời cũng tin rằng AI có khả năng phá vỡ các mô hình kinh doanh trong các ngành công nghiệp khác nhau.

Ông nói thêm: “Những người chiến thắng rõ ràng nhất vào thời điểm này, ngoài Nvidia, sẽ là những tên tuổi công nghệ lớn, chẳng hạn như Alphabet hay Meta hay những tên tuổi kiểu như vậy”. GQG Partners đã mua lượng cổ phiếu trị giá 2,3 tỷ USD của Nvidia trong quý đầu tiên và liên tục mua thêm kể từ đó. Giá cổ phiếu Nvidia đã tăng 170% trong năm nay, qua đó giúp giá trị vốn hóa công ty tăng thêm 575 tỷ USD.

Các công ty phần mềm và CNTT có thể là những "người thua cuộc"

Jain nói rằng trong khi nhiều công ty bán dẫn có thể được hưởng lợi thì một số công ty phần mềm và dịch vụ CNTT có thể sẽ “ở bên thua cuộc” khi AI tự động hóa các bộ phận trong doanh nghiệp của họ và “rất nhiều những thứ cơ bản đang được thực hiện sẽ trở nên dư thừa”.

Tuy nhiên, giống như trong thời kỳ “bong bóng dotcom”, ông cảnh báo: “Thật khó để dự đoán ai sẽ là người chiến thắng ở đây. Không ai có thể dự đoán được Amazon sẽ là người chiến thắng, trừ khi bạn đặt cược vào Jeff Bezos. Thật dễ dàng để nói rằng tôi đã làm điều đó, nhưng có hàng trăm công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, ai biết được doanh nghiệp nào là người chiến thắng? Và chưa kể bản thân công ty đã thay đổi đáng kể trong những năm qua”.

Jain đã ra mắt GQG có trụ sở tại Florida 7 năm trước. Dòng vốn 5 tỷ USD trong quý đầu tiên đã giúp đẩy tài sản của quỹ đầu tư này lên khoảng 100 tỷ USD. Công ty đã trở thành tâm điểm chú ý trong năm nay khi đầu tư 1,9 tỷ USD vào tập đoàn Adani Group của Ấn Độ.

Sự ra mắt của ChatGPT vào tháng 11 năm ngoái đã tạo ra sự gia tăng nhu cầu đối với chip H100 của Nvidia, mà giám đốc điều hành của tập đoàn là ông Jensen Huang đã mô tả là “chip máy tính đầu tiên trên thế giới được thiết kế cho AI tổng hợp”— hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể nhanh chóng tạo ra nội dung văn bản và hình ảnh giống con người. Tháng trước, Nvidia đã đưa ra dự báo doanh số vượt xa hơn 50% so với kỳ vọng của các chuyên gia Phố Wall.

Ông Jain chỉ ra sự khác biệt trong lĩnh vực công nghệ, nơi các công ty công nghệ có lợi nhuận lớn đang tách khỏi những công ty thua lỗ và tăng trưởng cao hơn. Ông nói: “Vào năm 2021, có rất nhiều sự ảo tưởng xuất hiện trên thị trường. Hiện tại, các doanh nghiệp đã thực tế hơn, qua đó khiến mức tăng trưởng nóng trong lĩnh vực công nghệ được bình thường hóa trở lại”.

Ngoài ra, ông Jain cho biết trở ngại chính đối với Nvidia là liệu nó có thể đáp ứng nhu cầu hay không. Ông nói: “Một trong những lý do chính khiến các công ty không đạt được mục tiêu lợi nhuận và doanh thu vì họ không thể đáp ứng nhu cầu. Tôi nghĩ đó là vấn đề lớn nhất mà Nvidia đang phải đối mặt vào thời điểm này.”

Theo Doanh nghiệp kinh doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/ai-co-the-tao-ra-nhieu-ke-thua-cuoc-hon-nhung-nguoi-chien-thang-4220236313460363.htm

Cùng chuyên mục